Bất ngờ trước cách săn mồi kỳ lạ của các loài động vật

Những cách săn mồi độc lạ của động vật

Thế giới động vật khá khắc nghiệt và đôi khi những loài sinh vật đẹp đẽ lại là những thợ săn chuyên nghiệp. Mỗi loài vật vừa là kẻ săn mồi nhưng cũng có thể là con mồi, vì thế chúng phải trở nên thông minh và khéo léo hơn để sinh tồn.


Đại bàng vàng
có cách săn mồi kỳ lạ, đó là chúng sẽ túm con mồi và thả xuống vách đá. Đại bàng vàng có nguồn gốc từ Mexico với sải cánh rộng tới 2 mét và là loài chim săn mồi lớn nhất ở Bắc Mỹ. Loài chim này ăn mọi thứ, từ các loài côn trùng cho tới gia súc nhỏ. Nó thậm chí có thể mang một con vật nặng tới 115kg.


Chồn ecmin
là loài sinh vật có vẻ ngoài đáng yêu nhưng cách săn mồi của nó thì không như vậy. Chúng là loài động vật ăn thịt, có thể ăn bất kỳ thứ gì từ côn trùng, chim, chuột cho tới các loài động vật có vú nhỏ như thỏ. Chồn ecmin không phải kẻ săn mồi lớn nhất hay lợi hại nhất nên nó phải sử dụng những kỹ năng khác. Khi phát hiện ra một đàn thỏ, nó sẽ bắt đầu trình diễn một điệu nhảy trước chúng, xoay tròn và nhảy lên với tốc độ chóng mặt. Khả năng này giúp nó thôi miên đối phương và tiến gần mục tiêu. Khi đến đúng thời điểm, nó sẽ tấn công và túm con thỏ gần nhất cho bữa tối của mình.


Những con tôm tít với vẻ ngoài rực rỡ thực sự là một trong những loài động vật mạnh nhất so với những con vật có cùng kích cỡ. Loài giáp xác dài khoảng 10cm này có thể đánh bại con mồi bằng cách phóng ra cú đấm với tốc độ tấn công nhanh như một viên đạn theo đúng nghĩa đen, dễ dàng phá vỡ vỏ sò hoặc vỏ cua.


Những con lươn điện thường nấp vào bóng tối và sử dụng khả năng phóng điện độc đáo của mình để làm tê liệt con mồi.


Cá voi sát thủ
là một trong vài loài động vật săn cá mập. Chúng săn mồi bằng cách đưa những con cá mập lên mặt nước rồi tung ra một cú tát từ trên xuống khiến cá mập tê liệt và trở thành bữa ăn của chúng.


Trong khi hầu hết sinh vật dưới đại dương chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng xanh thì cá mao tiên có thể nhìn thấy ánh sáng đỏ. Điều này khiến cho chúng có khả năng nhìn trong bóng tối khi mà các sinh vật biển khác không nhìn thấy gì. Điều đó khiến cho chúng săn mồi dễ dàng hơn.


Những con nhện cửa sập thường đào một cái hố để chui vào trong và phục kích con mồi. Chúng thậm chí có thể ngụy trang bằng cách phủ những chiếc lá lên trên. Khi những con côn trùng vô tư tiến gần, nó sẽ kéo con mồi vào trong.


Cá ếch
không bơi giỏi và thường sống ở gần đáy đại dương nhưng chúng là những thợ săn rất chuyên nghiệp. Chúng sử dụng một bộ phận trên cơ thể để giả vờ làm mồi nhử, rồi khi con mồi tiến gần, nó sẽ xông lên và nuốt con mồi bằng chiếc miệng lớn.


Đom đóm
là một trong những loài sinh vật tuyệt đẹp trong tự nhiên với khả năng phát sáng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cách để nó săn mồi. Đom đóm tạo nên những chiếc bẫy dính và thu hút con mồi bằng ánh sáng của mình.


Cá voi lưng gù
là một loài động vật thông minh và điều này được phản ánh qua cách nó săn mồi. Những con cá voi lưng gù sẽ phát ra tiếng ồn gần một đàn cá để khiến chúng hoảng loạn và bơi lên mặt nước. Tại đây, những con cá voi khác sẽ thổi những quả bong bóng lớn khiến đàn cá càng thêm hỗn loạn. Khi đó, cá voi sẽ há miệng và nuốt chửng chúng. Một con cá voi có thể ăn khoảng 1 tấn cá/ngày bằng cách này.


Ong bắp cày ký sinh
: Loài động vật này sở hữu những kỹ năng "ám sát" hoàn hảo trong tự nhiên. Những con cái thường sử dụng vòi để làm tê liệt loài nhện tarantula và sau đó đẻ trứng vào trong con nhện. Khi trứng nở ra, nó sẽ ăn nội tạng của con nhện xấu số rồi chui ra.


Giun nhung
: Loài giun này săn các loài động vật không có xương sống. Chúng tiết ra một loại chất keo đặc biệt tiết ra từ phía lưng để giữ chặt con mồi. Kẻ xấu số càng cố thoát thân thì càng dính chắc hơn vào lớp chất keo đó.


Ốc nón
: Đây là một chúng những loài động vật có độc mạnh nhất hành tinh. Chúng bắt con mồi bằng radula (một cấu trúc giải phẫu được động vật thân mềm sử dụng để kiếm ăn, đôi khi được so sánh với lưỡi - ND) sau đó tiêm chất độc vào con mồi. Vết cắn của nó có thể gây chết người.


Kiến quân đội
: Đoàn kiến quân đội khổng lồ áp đảo bất kỳ thứ gì trên đường chúng đi. Toàn bộ đoàn kiến quân đội có thể tiêu thụ tới 500.000 con mồi/ngày và không có thứ gì nằm ngoài thực đơn của chúng từ côn trùng, nhện, bọ cạp cho tới sâu và động vật có vú nhỏ.


Kiến Azteca brevis
chỉ tìm thấy ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ. Chúng xây dựng tổ màu đen có lớp vỏ cứng dọc theo gốc cây nhỏ và vừa. Kiến thợ khoan vài lỗ dọc theo tổ gọi là carton và lén lút nằm ngay bên dưới với phần hàm há to. Chúng sẽ ngoạm chân côn trùng mất cảnh giác bò ngang qua lỗ, giữ chặt và làm con mồi bất động trước khi chia thành nhiều mẩu nhỏ. (Ảnh: PLOS ONE).


Nhện bolas cái (Mastophora hutchinsoni)
là động vật ăn thịt chuyên xoay tròn một chiếc thòng lọng dính nhớp để bắt mồi. Chúng tạo ra mùi hóa học mô phỏng pheromone của bướm đêm cái để nhử bướm đực. Khi bướm đêm đực xuất hiện trong tầm mắt, con nhện tạo ra sợi tơ dài với phần cuối hình dùi cui dính nhớp để quăng vào cánh của đối phương giữa không trung. Nhện cái tương đối lớn, dài 2 cm, có phần bụng to màu trắng đặc trưng với chiếc bướu, có thể do chúng cần hạ gục con mồi to. Trong khi đó, con đực cực nhỏ, chỉ dài 1,6 mm, nhiều khả năng do không cần săn mồi lớn. (Ảnh: Richard Bradley).


Ấu trùng ruồi ăn nấm.
Trong hang động tối tăm ở New Zealand, ấu trùng của một loài ruồi ăn nấm gọi là Arachnocampa luminosa bay theo vòng tròn trên trần hang động hoặc sống trong bụi rậm ẩm ướt. Từ miệng, chúng xây dựng dây câu bằng chất nhầy dài tới 50 cm, sử dụng để móc côn trùng nhỏ biết bay như phù du, bướm đêm và ruồi nhuế. Một chiếc tổ có thể tạo ra 150 sợi dài, theo nghiên cứu vào năm 2016. Ấu trùng thu hút ruồi với phần lưng phát quang màu xanh dương - xanh lá cây. Dây câu sau đó cuộn thẳng vào miệng chúng. A. luminosa chỉ ăn trong giai đoạn này của vòng đời, có thể kéo dài 9 tháng. (Ảnh: Marcel_Strelow).


Rắn đuôi nhện (Pseudocerastes urarachnoides)
là loài bắt chước đại tài ở phía tây châu Á. Đúng như tên gọi, chúng có chiếc đuôi độc đáo trông giống một con nhện. Phần chóp đuôi giống bóng đèn, phủ đầy vảy nhô ra, trông giống hình dáng thân nhện. Chiếc đuôi rung trên nền đất để nhử thằn lằn, chuột, đôi khi cả chim chóc. Khi con mồi mất tập trung do "con nhện" ở đuôi rắn, rắn sẽ tấn công bất ngờ. (Ảnh: reptiles4all).


Mèo đốm Margay (Leopardus wiedii),
loài mèo hoang nhỏ sống ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, sử dụng bản năng của con trưởng thành để hỗ trợ con non nhử mồi. Mèo Margay phát ra tiếng rít mô phỏng tiếng kêu của khỉ sóc nhỏ non (Saguinus bicolor). Điều này báo động khỉ trưởng thành, thôi thúc nó mò tới theo hướng tiếng kêu để cứu con non. Khi khỉ trưởng thành tới đủ gần, mèo Margay sẽ vồ nó. (Ảnh: Martin Harvey).


Chim diệc xanh (Butorides virescens)
sống ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, bắt cá để ăn theo cách tương tự con người. Những con chim màu xanh lá cây và nâu này đậu bên trên đầm lầy và rải mẩu vụn bánh mỳ, côn trùng và lông để nhử con cá tò mò. Sau khi cá tụ tập, chim diệc sử dụng chiếc mỏ nhọn để bắt cá khỏi mặt nước. (Ảnh: Iv-olga).


Rùa cá sấu (Macrochelys temminckii)
là loài rùa nước ngọt lớn nhất, chỉ sống ở sông ngòi châu Mỹ. Tên gọi của chúng đến từ gờ lớn trên lớp mai cứng, trông giống cá sấu khi nhìn từ trên xuống, theo vườn thú North Carolina. Lớp mai gồ ghề và thân hình sẫm màu giúp chúng hòa lẫn vào đáy bùn của sông ngòi. Chúng nằm bất động dưới nước với chiếc miệng há to. Lưỡi của chúng đặc biệt tiến hóa để trông giống một con giun nhỏ ngọ nguậy nhằm nhử cá vào trong hàm. Với lực cắn 450 kg, con cá bị lừa nhanh chóng bị bắt và ăn thịt. (Ảnh: Washington Post).


Ở các khu vực ấm áp và khô cằn trên thế giới, ấu trùng của kiến sư tử (Myrmeleontidae) tạo ra hố cát không thể trốn thoát để bẫy côn trùng nhỏ, chủ yếu là kiến. Ở khu vực đất tơi hoặc nhiều cát, kiến sư tử di chuyển theo vòng tròn để tạo ra hố hình phễu. Ấu trùng kiến sư tử vùi mình ở đáy hố, kiên nhẫn chờ côn trùng rơi xuống. Sau đó, ấu trùng ngoạm nạn nhân bằng hàm. Nếu con mồi tìm cách chạy trốn, ấu trùng sử dụng đầu để hất cát, tạo ra những trận sạt lở đất nhỏ để kéo côn trùng xuống. Dù chiến thuật săn mồi này rất nổi tiếng ở kiến sư tử, chỉ khoảng 1/3 loài Myrmeleontid sử dụng hố cát. Phần lớn ấu trùng chủ tích cực rượt đuổi con mồi hoặc vùi mình bên dưới đất, lá hoặc lỗ cây khô để phục kích con mồi. (Ảnh: Rasmuscool99).

Cập nhật: 14/08/2024 VOV/VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video