Báu vật thế giới: Loài động vật cực kỳ quý hiếm chỉ Việt Nam có, số lượng chưa đến 50 con!

Loài động vật này là loài đặc hữu ở miền Trung Việt Nam.

Loài động vật cực kỳ quý hiếm, cả thế giới chỉ Việt Nam có đó chính là Gà lôi lam mào trắng Việt Nam - danh pháp khoa học: Lophura edwardsi - là một loài chim thuộc họ Trĩ (Phasianidae).


Hình ảnh bộ lông màu lam tuyệt đẹp của Gà lôi lam mào trắng Việt Nam (Lophura edwardsi). Ảnh: Birdland (UK).

Mới đây nhất, vào tháng 7/2024, Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp gà lôi lam mào trắng Việt Nam vào phân hạng CR - Cực kỳ nguy cấp theo tiêu chuẩn D.

Nghĩa là loài gà lôi lam mào trắng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, hoàn toàn biến mất trong tự nhiên trong một tương lai rất gần, khi quần thể loài này suy giảm đến 90%.

Trước đó vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2018, Sách Đỏ IUCN cũng phân hạng gà lôi lam mào trắng Việt Nam mức CR nhưng theo tiêu chuẩn thấp hơn do số lượng cá thể chưa mất nhiều như năm 2024.

Số lượng gà lôi lam mào trắng Việt Nam chỉ còn rất ít

Thông tin trên Sách Đỏ IUCN cho biết, gà lôi lam mào trắng Việt Nam là loài đặc hữu của miền Trung Việt Nam. Loài này ăn trái cây, côn trùng, nhện và động vật không xương sống.

Trước đây, loài động vật xinh đẹp này được mô tả là khá phổ biến tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, sau năm 2000, số lượng loài này giảm trầm trọng do mất môi trường sống (vì suy thoái rừng và phá rừng nghiêm trọng) cùng nạn săn bắt (chủ yếu bằng bẫy) trái phép quá mức nhằm mục đích thương mại.

Các nhà khoa học phát hiện và định danh loài lôi lam mào trắng Việt Nam lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1896. Khi đó, họ phát hiện được 22 cá thể. Đến năm 1935, hầu hết trong số đó được lấy làm mẫu vật.


Lophura edwardsi là một loài chim thuộc họ Trĩ (Phasianidae). (Ảnh: Nghia Ha Van/IUCN).

Từ năm 1964 đến năm 2000, có 24 bản ghi chép về 62 cá thể được nhìn thấy từ thời điểm đó đến năm 2000. Hồ sơ xác nhận phát hiện thêm cuối cùng trong tự nhiên về loài gà lôi lam này là vào năm 2000, khi một con đực được cứu từ một thợ săn và được nuôi tại Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Việc không có ghi chép nào thêm về số lượng cá thể loài này trong tự nhiên kể từ đó đến nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực khảo sát, cho thấy quần thể này vẫn tiếp tục suy giảm và khả năng tuyệt chủng hoàn toàn ước tính lớn hơn 90%.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, tổng số lượng gà lôi lam mào trắng Việt Nam trưởng thành tính cho đến nay (trong điều kiện nuôi nhốt) là dưới 49 con.

2 mối đe dọa chính của loài động vật quý hiếm của Việt Nam

Các nhà sinh vật học cho biết, 2 mối đe dọa lớn nhất đến số lượng loài gà lôi lam mào trắng Việt Nam chính là (1) mất và suy thoái môi trường sống, và (2) nạn săn bắn.

Phân tích về mối đe dọa thứ nhất, các nhà khoa học cho biết gà lôi lam mào trắng Việt Nam chỉ ưa sống ở các rừng đất thấp thường xanh "cực kỳ ẩm ướt", ở độ cao dưới 300 mét, đặc trưng bởi độ ẩm cao quanh năm, lượng mưa lớn và tầng cây bụi dày giàu dây leo.


Ảnh minh họa về khu rừng thường xanh (Evergreen forest) tại Việt Nam. (Nguồn: Constructive-voices).

Tuy nhiên, môi trường sống ở vùng đất thấp này đã bị tàn phá rộng rãi thông qua việc phá rừng và thay thế gần như hoàn toàn bằng canh tác lúa tưới tiêu. Phần rừng còn lại đã bị mất lá cấp tính và trên diện rộng sau khi 72 triệu lít thuốc diệt cỏ đã được phun xuống các khu rừng Việt Nam thời chiến tranh.

Chưa kể, việc con người liên tục khai thác gỗ thương mại, thu gom củi, sản xuất than củi và chiết xuất tinh dầu thơm đã góp phần làm biến mất môi trường sống ưa thích của loài gà lôi lam mào trắng Việt Nam. Khai thác gỗ có chọn lọc và chặt bỏ gần như toàn bộ những cây lớn nhất đã tác động sâu rộng đến cấu trúc và vi khí hậu liên quan của những khu rừng thường xanh ẩm ướt. Vệc tán cây mỏng đi và sự thoái hóa của tầng cây bụi được cho là đã dẫn đến tình trạng khô hạn của khu rừng "luôn ướt" mà loài động vật chỉ có duy nhất ở Việt Nam thích sống.

Phân tích về mối đe dọa thứ hai, các chuyên gia của IUCN cho biết, việc sử dụng bẫy dây để săn bắt là mối đe dọa lan rộng và ngấm ngầm trên khắp Đông Nam Á. Các loài chim và động vật có vú trên cạn bị giết bừa bãi.

Những kỹ thuật như vậy không chỉ được những thợ săn chuyên nghiệp mà còn được những người đốn gỗ, thợ đào vàng và người chiết xuất dầu thơm sử dụng, tạo ra áp lực săn bắt rất lớn đối với động vật hoang dã.

Hoạt động bẫy gà lôi lam mào trắng Việt Nam diễn ra trên khắp Việt Nam ở quy mô gần như công nghiệp. Ví dụ, từ năm 2011 đến năm 2019, khoảng 127.000 cái bẫy bằng dây đã được gỡ bỏ chỉ riêng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La - Thừa Thiên Huế rộng 320 km2.

Công nghệ cao và triệu đô trong nỗ lực bảo vệ Lophura edwardsi

Với hi vọng phát hiện cá thể mới trong tự nhiên, từ đó có cơ sở bảo tồn loài động vật quý hiếm này, IUCN đề xuất hàng loạt các hành động bảo tồn, trong đó có sự tham gia của công nghệ cao.

Đơn cử, sử dụng công nghệ cảm biến từ xa để phân loại rừng theo độ ẩm nhằm xác định các khu vực có khả năng thích hợp cho loài này; Tiến hành thêm các cuộc khảo sát các mảnh rừng còn lại trong và ở phía bắc bằng cách sử dụng bẫy ảnh và chó được huấn luyện đặc biệt;


Hình minh họa về bẫy ảnh động vật. (Nguồn: LifeWatch Belgium).

Thành lập các Khu bảo tồn thiên nhiên đồng thời khuyến khích bảo vệ các địa điểm quan trọng khác cho loài này sinh sống, nếu có; Nếu phù hợp, sử dụng quần thể nuôi nhốt để lai tạo các  cá thể phù hợp để tái thả.

TS.Lê Trọng Trải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiệt Việt (Việt Nature) cho biết trên VNExpress năm 2021 rằng, từ năm 2011, các nhà nghiên cứu đã đặt bẫy ảnh ở nhiều nơi trong vùng phân bố nhưng chưa đem lại kết quả. Dẫu vậy, vì chưa có bằng chứng và cơ sở để nói loài này đã tuyệt chủng trong tự nhiên nên các nhà khoa học vẫn không ngừng nỗ lực và hy vọng tìm ra dấu chân loài động vật quý hiếm này.

Đối với quần thể nuôi nhốt hiện có, các nhà nghiên cứu lo ngại vấn đề về đồng huyết và lai tạp, dẫn đến suy thoái nguồn gene. Vì vậy, việc bảo tồn bộ gene thuần chủng để tái thả vào tự nhiên là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian và cần phải nghiên cứu điểm tái thả thật kỹ lưỡng để không làm mất loài này sau khi thả.

Việc tuyển chọn và nhân nuôi các cá thể phù hợp để có thể thả lại trong tự nhiên sẽ mất ít nhất 5-6 năm. Đây là điều phải làm nếu muốn có một quần thể gà lôi lam mào trắng tồn tại bền vững trong tự nhiên với 2-3 tiểu quần thể vào khoảng năm 2030. Theo kế hoạch hành động bảo tồn gà lôi lam mào trắng Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cần tối thiểu 1 triệu USD cho hoạt động nhân nuôi bảo tồn này, TS. Lê Trọng Trải kết luận.

Cập nhật: 02/11/2024 ĐSPL
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video