Bệnh chàm là gì?

Bệnh có triệu chứng nổi hồng ban, chùm mụn nước các vùng nếp gấp da cổ, khuỷu tay, chân, nách, bẹn, mặt ngoài tay, cẳng chân...

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết bệnh chàm là một bệnh da mạn tính không lây, liên quan đến các yếu tố di truyền, cơ địa, chất tiếp xúc. Bệnh gây ra các sang thương trên da làm da khô, đỏ và ngứa.

Chàm có nhiều loại như chàm đồng tiền, chàm tiếp xúc, chàm thể tạng. Bệnh xuất hiện từng đợt, dai dẳng và hay tái phát. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, phổ biến nhất là trẻ em và thiếu niên. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, gây khó chịu cho người bệnh.


Chàm có nhiều loại như chàm đồng tiền, chàm tiếp xúc, chàm thể tạng.

Triệu chứng của bệnh chàm

Chàm có triệu chứng như nổi hồng ban, nhiều chùm mụn nước ở các vùng nếp gấp da như cổ, nếp gấp khuỷu tay, khoeo chân, nách, bẹn, mặt ngoài tay, cẳng chân... Mụn nước có thể vỡ ra, rịn nước, sau đó khô dần, đóng mài, bong vảy. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa nhiều ở vùng da bị chàm, có thể kèm theo hen, viêm mũi dị ứng.

Nếu có người thân mắc bệnh chàm, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn. Người có cơ địa dễ dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên như thời tiết, stress, phấn hoa, virus, thuốc tê, các hóa chất như chất tẩy rửa, xi măng hay ăn phải những thức ăn gây dị ứng (hải sản, đậu phộng, thịt bò) có thể gây bùng phát một đợt chàm cấp tính.

Bên cạnh đó, trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, người mắc các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc ăn uống thiếu cân bằng có nguy cơ cao mắc bệnh. Một số bệnh lý nội khoa như suy giãn tĩnh mạch, suy thận mạn... cũng gây ra chàm da.

Cách điều trị bệnh chàm

Điều trị chàm bằng y học hiện đại

Theo bác sĩ Châu, điều trị chàm để kiểm soát các đợt bệnh, loại bỏ triệu chứng ngứa, đỏ da, giảm xuất hiện sang thương mới, ngăn ngừa và điều trị tình trạng chàm bội nhiễm.

Điều trị và kiểm soát các bệnh lý gây ra chàm, tránh tiếp xúc các dị ứng nguyên sẽ làm bệnh thuyên giảm. Bác sĩ có thể kê cho người bệnh thuốc thoa hoặc thuốc uống tùy theo tuổi, cơ địa và tình trạng nặng nhẹ của bệnh. Dùng các loại kem, lotion thoa để dưỡng ẩm da. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc dị nguyên hay các chất dễ gây kích ứng khi đang có sang thương da. Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress...

Điều trị chàm bằng y học cổ truyền

Chàm được xếp vào chứng phong chẩn, do ăn uống không điều độ làm tổn thương tỳ, vị hoặc do sự xâm nhập của phong, thấp, nhiệt tà hoặc do thấp nhiệt uẩn kết lâu ngày dẫn đến huyết hư, huyết nhiệt mà sinh bệnh.

Thầy thuốc sẽ tùy theo nguyên nhân và triệu chứng bệnh mà kê thang thuốc phù hợp.

Bệnh chàm thể thấp nhiệt: Dùng các vị thuốc như long đởm thảo, hoàng cầm, thạch cao để loại bỏ đi nhiệt độc trong cơ thể, lợi thấp tiêu viêm.

Bệnh chàm thể huyết hư phong táo: Dùng các vị thuốc như bạch tật lê, phòng phong, sinh địa để trừ phong, sinh tân dịch, nhuận táo.

Đối với thể tỳ hư thấp thịnh: Dùng các vị thuốc kiện Tỳ, trừ thấp như Bạch truật, Trư linh, Trạch tả.

Bên cạnh thuốc uống, thầy thuốc có thể kê toa một số vị thuốc như hoàng bá, bồ công anh, cúc hoa... nấu nước ngâm rửa, giúp mau lành da, hạn chế sẹo.

Cập nhật: 01/10/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video