Thời gian vừa qua, thời tiết miền Bắc liên tục thay đổi thất thường khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số bệnh nhi đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa có chiều hướng gia tăng.
Những điều cần biết về bệnh cúm mùa
Vậy bệnh cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.
Ở nước ta, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm...
Nguyên nhân cảm cúm
Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên.
Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên (antigenic drift) gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Khi những biến đổi nhỏ và dần dần tích tụ lại thành những biến đổi lớn, tạo nên type kháng nguyên mới, đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng vi rút cúm động vật và cúm người. Những phân type kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu.
Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-400C kèm theo rét run.
Triệu chứng của bệnh cúm mùa
Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-400C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho...
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Biến chứng của cúm mùa
Mặc dù có những biểu hiện nhẹ và phổ biến nhưng nếu chủ quan thì sẽ dễ dẫn đến những biến chứng bệnh cúm vô cùng nguy hiểm.
Khi bệnh cúm chuyển nặng sẽ dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, suy tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu...trẻ em và người già trên 65 tuổi là đối tượng dễ gặp biến chứng nhất.
Đối với phụ nữ mang thai, biến chứng bệnh cúm có thể gây sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi nếu thai phụ mắc cúm trong 3 tháng đầu.
Thông thường, bệnh sẽ có diễn biến nhẹ và có thể khỏi trong 3-5 ngày nhưng với những trẻ thể trạng yếu, mắc kèm bệnh mãn tính như viêm phế quản, tim mạch sẽ rất nguy hiểm vì có thể khởi phát bệnh mới. Nguy hiểm hơn, nếu không được điều trị, trẻ có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim hoặc tử vong.
Phòng bệnh cúm mùa như thế nào?
Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc; Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
Do cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên thời gian sắp tới, số trẻ mắc bệnh này có thể tăng. Chính vì vậy, để phòng tránh nguy cơ mắc cúm cho trẻ, các phụ huynh cần chú ý giữ ấm, hạn chế cho trẻ đi ra ngoài vào ngày lạnh. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng. Đặc biệt, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng cúm và đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh thật tốt cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Cần lưu ý: chống cúm bằng các thuốc kháng virus không phải là một thay thế cho việc tiêm phòng vắc xin. Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.