Bí ẩn khu lăng mộ lớn nhất thế giới tại Nhật Bản: Hình thù kỳ lạ, bất khả xâm phạm và là nơi yên nghỉ của 'Thiên hoàng thần thoại'

Ngay cả giới sử gia và chuyên gia khảo cổ học cũng không được phép bước chân vào khu gò mộ chính.

Kofun - gò mộ của hoàng đế và quý tộc

Trong khi người Maya cổ đại xây dựng các kim tự tháp ở Trung Mỹ, thì người Nhật lại xây những gò mộ hình lỗ khóa hết sức độc đáo dành làm nơi an giấc ngàn thu cho các vị vua, được biết đến dưới cái tên Kofun hay một cách đầy đủ hơn là Daisenryo Kofun. Lăng mộ thuộc loại cổ nhất hành tinh này dài gấp đôi so với đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập, được bảo vệ bởi 3 hào nước.

Trong khi 3 tầng của cổ mộ chỉ bằng 1/4 chiều cao so với đại kim tự tháp Giza, Kofun lại có khối lượng đáng nể. Khách du lịch, giới khảo cổ học và thậm chí Hoàng gia Nhật hiện nay cũng chỉ được phép đến cây cầu ở hào nước thứ hai rồi dừng lại ở đó. Không ai được phép vượt qua hào nước cuối cùng kể từ khi có một cơn bão lốc đã tàn phá phần dưới của mộ từ năm 1872.

Khi trùng tu di tích, người ta đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị nhưng sau đó chính quyền không cho phép có bất kỳ hoạt động nào nữa, vì thế bí ẩn về người nằm trong huyệt mộ sẽ mãi mãi không được khám phá.

Phần chính của lăng mộ nằm ngay trên đầu của lỗ khóa là một nơi hoàn toàn chưa được đụng chạm tới trong suốt hàng ngàn năm qua, và nếu không có biến cố gì thì nó cũng sẽ giữ nguyên như thế thêm rất nhiều năm nữa.

Văn phòng quản lý nội chính Hoàng gia (Kunaicho, IHA) là cơ quan chuyên trách coi sóc các lăng tẩm, địa danh tôn giáo linh thiêng đã tuân theo quy tắc “phong tỏa” với người bên ngoài. Gần đây, IHA mới thuê các nhà khảo cổ để khai quật những ngôi mộ nhất định và giúp duy tu bảo dưỡng lăng tẩm. Nhằm bảo vệ Kofun, IHA đã cho phép trồng cây cối lên lăng mộ, thành một cánh rừng xanh bát ngát.

Kofun là nơi an giấc thiên thu của các hoàng đế, hoàng hậu và những thành viên quý tộc ưu tú trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Lăng mộ hình lỗ khóa lớn nhất trong số đó nằm gần ngoại ô của thành phố cổ Sakai thuộc tỉnh Osaka, phía Tây Nam thủ đô Tokyo, nơi an giấc của Thiên hoàng Nintoku – hoàng đế thứ 16 của Nhật Bản. Các sử gia nói rằng Thiên hoàng Nintoku là “Hoàng đế thần thoại” của thế kỷ 5, còn được gọi là “Đại vương Yamato”.

Theo thần thoại của đất nước Mặt Trời mọc, Thiên hoàng Nintoku là một kỹ sư - kiến trúc sư tài năng xuất chúng, người đã cho xây dựng hàng loạt kênh đào và các kiến trúc công cộng khác, bảo vệ thần dân chống lại giặc đói. Nintoku cai trị vương quốc trong suốt 86 năm cho đến khi băng hà. Không có tài liệu chính xác để nói về cuộc đời của Thiên hoàng Nintoku hay triều đại của ông song có phỏng đoán cho rằng ông đã trị vì Nhật Bản từ năm 313 đến 399.

Lăng mộ của Thiên hoàng Nintoku

Lăng mộ Nintoku-ryo là một trong số 50 gò mộ được gọi chung bằng cái tên là phức hợp “Mozu Kofungun” và đây cũng là phức hợp mộ táng lớn nhất thế giới. Phức hợp này được cho là đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, với sự góp mặt của 2.000 người làm việc suốt ngày đêm trong 16 năm liên tục.

Lăng mộ Nintoku dài tới 486m và cao 35m, dài gấp hai cạnh đáy của Đại kim tự tháp Pharaoh Khufu (Cheops) ở Giza. Gò mộ hình lỗ khóa này được cấu tạo từ 2 phần kiến trúc: Một cái gò tròn nằm ở phía sau là nơi đặt quách của Hoàng đế và các thành viên của hoàng gia được an táng, được kết nối với một cái gò hình chữ nhật (hoặc hình thang), nơi diễn ra các nghi lễ trong suốt quá trình an táng.


Bức họa vẽ Thiên hoàng Nintoku và Hoàng hậu.

Phức hợp gò cổ mộ Thiên hoàng Nintoku rộng tới 470.000m2, và có nhiều hào nước bao bọc quanh, bảo vệ cho gò mộ tránh mọi sự xâm hại bên ngoài. Từ cổng vào, có cảm giác như gò mộ là một cánh rừng rậm với vô số bụi cây cao.

Ông Kurahashi - phụ trách Bảo tàng thành phố Sakai - nói rằng, những vị Hoàng đế thuở xưa có lẽ không hề có ý định biến lăng mộ thành hình lỗ khóa khổng lồ, nhưng qua thời gian, cây cối đã tạo nên hình dạng độc đáo như thế. Ông Kurahashi nhấn mạnh: “Khi hoàng gia ngày càng lớn mạnh, họ quyết định can thiệp vào hình dạng gò mộ hình lỗ khóa như một biểu tượng của quyền lực và chủ quyền. Gò mộ càng lớn thì càng thể hiện ảnh hưởng của sự lãnh đạo và quyền lực tối thượng”.

Gò mộ của Thiên hoàng Nintoku là lớn nhất thế giới thì về phía Nam nơi có gò mộ nhỏ hơn là của con trai ông, Hoàng đế Richu, và nằm không xa giữa 2 gò mộ này, ở phía Đông, là gò mộ lớn thứ hai được dùng cho nơi an giấc ngàn thu của Hoàng hậu Ōjin.


Quanh gò mộ khổng lồ của Thiên hoàng Nintoku còn có 16 ngôi mộ vệ tinh nhỏ hơn là nơi an táng các thành viên khác của hoàng gia.

Cho đến ngày nay, không ai dám vi phạm các gò mộ, không chỉ bởi vì khu phức hợp mộ táng này là một bất động sản tư nhân (được quản lý bởi Văn phòng quản lý nội chính Hoàng gia) mà còn bởi vì chúng được đánh giá cao như là những thánh địa tôn giáo, với niềm tin mãnh liệt rằng những khu gò mộ là nơi đang ẩn chứa linh hồn của các thành viên hoàng gia.

Người dân địa phương có thể dừng ngay trước cổng dẫn vào gò mộ để tụng kinh cầu siêu cho Hoàng đế Nintoku.

Vì “bất khả xâm phạm” nên phức hợp gò cổ mộ vẫn ẩn chứa vô vàn bí mật. Ngay cả giới sử gia, các nhà khoa học và chuyên gia khảo cổ học vẫn không được phép bước chân vào khu gò mộ chính, không ai biết đích xác những ai nằm bên dưới cánh rừng già mọc rậm rạp, cũng như những gò mộ hình ruộng bậc thang.

Di sản thế giới

Ông Hisanori Kato, cố vấn cấp cao về quan hệ quốc tế tại Sở Du lịch và Văn hóa thành phố Sakai, nói rằng kể từ khi xảy ra trận siêu bão vào năm 1872 dưới thời Minh Trị, thì lần đầu tiên mới có con người chính thức đặt chân vào khuôn viên của gò mộ Nintoku, cũng như giới chức địa phương mới có điều kiện để mục sở thị và đánh giá mức độ thiệt hại do bão gây ra tại khu mộ địa.

Và cũng nhờ trận siêu bão mà dân tình Sakai mới có dịp nhìn thoáng qua kho lịch sử giàu có được cất giấu bên trong gò mộ Nintoku. Ông Kurahashi cho hay, giới chức địa phương đã thăm dò vòng ngoài của khu gò mộ sau trận bão năm 1872 và đã chiêm ngưỡng kho tàng hiện vật vô giá gồm giáo mác, cung tên cổ xưa, mũ nón, những chiếc chén/đĩa bằng thủy tinh, nhiều chiếc lọ bằng đất sét và đồ đất nung được tạo tác mang hình dáng con chó hay ngựa gọi là Haniwa.

Ông Kurahashi nhìn nhận, những món đồ trong gò mộ có thể là “quà tặng” hay tài sản của người quá cố.

Ngay cả bản thân chiếc quách của Thiên hoàng Nintoku cũng là một kiệt tác nghệ thuật, với hình dáng như một chiếc áo kimono truyền thống của người Nhật, có những cái ống thò ra khỏi một bên quan tài trong khi một góc quan tài sơn màu đỏ chót tượng trưng cho mặt trời.

Những chiếc lọ và hình tượng bằng đất sét cùng các cỗ quan tài được trưng bày ở Bảo tàng thành phố Sakai, cũng như những phiên bản thu nhỏ của các ngôi cổ mộ nổi tiếng, và vô số hiện vật nhân tạo khác từ cả Nhật Bản và các quốc gia châu Á láng giềng khi mà Sakai từng là một cộng đồng thương mại thịnh vượng ở Đông Á.

Hôm nay, quần thể gò cổ mộ ở thành phố Sakai vẫn còn nguyên vẹn và được bảo tồn kỹ lưỡng, vẫn đứng hiên ngang và hài hòa với kiến trúc hiện đại của thành phố. Quần thể gò mộ Thiên hoàng Nintoku được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, là 1 địa điểm tham quan du lịch kỳ thú và hấp dẫn với du khách thập phương khi đặt chân tới xứ sở hoa anh đào.

Cập nhật: 14/01/2021 Theo Soha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video