Có thể nói những hiện tượng huyền bí, rùng rợn liên quan đến lời nguyền Ai Cập không phải chỉ xuất hiện trên phim, mà thậm chí còn diễn ra ngoài đời thực. Đoạn video mới đây ghi lại hình ảnh bức tượng người Ai Cập tự di chuyển trong tủ kính trưng bày ở viện bảo tàng tại Anh sẽ khiến bất kì ai được chứng kiến phải rùng mình.
Hầu hết những nhà khoa học đã từng khám phá các ngôi mộ Ai Cập trong thập kỷ 20 đều tin vào việc bắt gặp những lời nguyền.
Bức tượng nhỏ cao 25cm đã ở viện bảo tàng Manchester Museum được 80 năm. Nó được tìm thấy trong một khu mộ xác ướp và là tặng phẩm cho vị thần Ai Cập Osiris.
Trong những tuần gần đây, các nhân viên bảo tàng đã phải băn khoăn rất nhiều sau khi họ nhận thấy bức tượng ở nằm vị trí ngược 180 độ so với ban đầu. Và họ bắt đầu tin rằng tất cả xuất phát từ lời nguyền của các pharaoh tấn công bất cứ ai bạo gan lấy đi vật thuộc các lăng mộ.
Các chuyên gia quyết định ghi hình lại tủ trưng bày đó và họ đã hết sức ngạc nhiên khi hình ảnh rất rõ ràng và chân thực bức tượng chậm rãi tự quay 180 độ mà không hề có bất cứ tác động nào. Đoạn video sử dụng kỹ thuật time-laps (ghi lại hình ảnh của một vật thể hoặc khung cảnh nào đó qua thời gian dài liên tiếp) thể hiện điều đó rất rõ.
Vị trí ban đầu của bức tượng.
Bắt đầu có sự thay đổi.
Sáng hôm sau bức tượng đã "quay mặt" sang hướng khác.
Và đến cuối ngày bức tượng đã "quay mặt" lại với người xem.
Bức tượng một nam giới có tên Neb-Senu này dường như bất động vào ban đêm nhưng vào ban ngày nó lại có những vận động vô cùng nhỏ. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm lời giải đáp cho hiện tượng này.
Campbell Price, nhà Ai Cập học đồng thời là người quản lý trong bảo tàng Manchester chia sẻ: “Vào một ngày tôi đã nhận ra rằng bức tượng đã quay ngược lại. Tôi thấy thật kỳ lạ vì tôi là người duy nhất giữ chìa khóa chiếc tủ kính trưng bày đó. Tôi đã xoay nó lại và ngày hôm sau nó lại di chuyển ngược vị trí”.
Campbell Price và bức tượng.
Price đưa ra giải thích: “Những bức tượng nhỏ là thứ xuất hiện trong các lăng mộ cùng với xác ướp. Người đưa tiễn sẽ đặt bức tượng dưới chân xác ướp, sau lưng bức tượng có các chữ tượng hình ‘bánh mì, rượu và thịt bò’. Người Ai Cập cổ đại tin rằng nếu xác ướp bị phá hủy thì các bức tượng sẽ là nơi cư ngụ mới cho linh hồn”. Price đưa ra kết luận: “Có thể đó chính là lý do khiến nó chuyển động”.
Một số chuyên gia khác đưa ra giả thiết có thể rung động từ bước chân của các khách tham quan đã khiến bức tượng nhỏ di chuyển nhưng Price lại khômg mấy thuyết phục về giả thiết đó. Price nói: “Có hai bề mặt, một là phần đá rắn của chân bức tượng, một là bề mặt kính của tủ trưng bày. Nếu chúng sinh ra các rung động khiến bức tượng di chuyển thì sao trước đây chúng tôi không phát hiện ra hiện tượng này? Và tại sao bức tượng lại xoay được vòng tròn hoàn hảo như vậy?”
Và chính Price đang kêu gọi công chúng đến để tự quan sát cũng như tìm ra lời giải cho bí ẩn trên.