Loài kiến Matabele châu Phi có thể trở thành y tá, chăm sóc cho đồng loại bị thương khi chúng tham gia kiếm mồi.
Kiến bắt mối về tổ. (Ảnh: Arkive).
Sau những cuộc kiếm mối, kiến bị thương được gom lại và chở về tổ. Những con kiến khỏe trở thành y tá, chăm sóc vết thương của đồng loại. Việc này giúp giảm tỉ lệ thương vong từ khoảng 80% xuống còn 10%.
Những vết thương chủ yếu mà kiến Matabele (Megaponera analis) phải gánh chịu thường là do tác động bởi hàm dưới của mối. Bên cạnh tổn thương tức thời ở tứ chi, các vết thương có thể bị nhiễm trùng nhưng loài kiến phát triển một loạt phương pháp điều trị bằng kháng sinh để cứu những con kiến bị thương.
Nghiên cứu cho thấy đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện tập tính này trên loài kiến, sinh vật khác con người. Theo tiến sĩ Erik Frank của Julius-Maximilians-Universität (JMU) Würzburg đây không phải quá trình tự chữa trị như một số loài vật khác, chúng được chữa trị bởi đồng loại. Kiến liếm vết thương nhằm ngăn chặn nhiễm trùng.
Họ tìm ra nguyên nhân chính gây tử vong là vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Mặc dù sẽ thật buồn cười nếu cho rằng kiến có thể nhận biết điều này nhưng chúng phản ứng rất nhanh khi những vết thương bị nhiễm P. aeruginosa và điều trị chúng thường xuyên hơn.
Loài kiến tạo ra 112 hợp chất hữu cơ, trong đó có 23 hợp chất mà khoa học chưa biết đến từ tuyến màng phổi của chúng. Frank và các đồng nghiệp đã thử nghiệm những thứ này và nhận thấy khoảng một nửa trong số chúng có đặc tính kháng khuẩn hoặc chữa lành vết thương theo những cách khác.
Frank nói: “Ngoại trừ con người, tôi nghĩ không có sinh vật sống nào khác có thể thực hiện các phương pháp điều trị vết thương y tế phức tạp như vậy”.
Ông Frank đã từng tham gia nghiên cứu về tập tính giải cứu đồng loại khỏi chiến trường của kiến. Nghiên cứu chữa bệnh là phần tiếp theo của nghiên cứu trước đó.
Tên của loài này được đặt theo một bộ tộc chiến binh tại Nam phi.
Matabele là một trong những loài kiến lớn nhất thế giới. Chúng là những chiến binh liều lĩnh, con người cũng bị tấn công bởi những vết cắn của chúng. Tên của loài này được đặt theo một bộ tộc chiến binh tại Nam phi.
Trong quá trình đi săn với số lượng từ 200 đến 600 cá thể, kiến Matabele nhắm vào loài mối khi chúng đang ăn. Chính vì vậy, những con kiến bị đánh trả bởi mối lính. Đôi khi, những con kiến bị cắn cụt chân.
Sau cuộc săn, kiến tha mối về tổ, số kiến còn lại tìm kiếm kiến bị thương. Những con này phát ra loại hormone cầu cứu. Những con kiến còn khỏe dùng cặp hàm to khỏe tha những con bị thương về tổ để chữa trị.
Đáng ngạc nhiên hơn cả là những con kiến bị thương nặng, không có khả năng hồi phục sẽ ra tín hiệu không cần cứu chữa. Nếu được tha về, những con bị thương nặng sẽ vùng vẫy khiến đồng loại bỏ nó lại.
Theo nghiên cứu, tỉ lệ sinh khá thấp, chỉ khoảng 10 đến 14 kiến con một ngày. Mỗi ngày đi săn có thể khiến đàn kiến bị thương lên đến 20 con. Do vậy, kiến phải cứu chữa đồng loại để tránh thiệt hại về đàn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những phát hiện đáng ngạc nhiên. Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ như làm sao kiến biết chính xác con nào bị thương, khi nào chúng bình phục, việc chữa trị chỉ nhằm tránh nhiễm trùng hay bao gồm cả hồi phục chức năng?