Các nhà cổ sinh vật học vừa tiến hành khai quật những dấu tích còn sót lại của 3 con chó từ 4 đến 8 tuổi thuộc thời tiền sử. Điều đặc biệt là trong miệng chúng lại có một chiếc xương voi ma mút.
>>> Dấu vết loài chuột "khủng" nặng 6kg
Nhóm nghiên cứu tin rằng đây là nghi lễ chôn cất vào thời đó, tức là có người đã cố tình đưa chiếc xương vào trong miệng sau khi chúng chết.
Não của những con chó Paleolithic (loài chó sống trong thời kỳ đồ đá cũ) cũng bị tách bỏ sau đó với mục đích giải phóng linh hồn của loài động vật này. Dấu hiệu này cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa loài người và loài chó đã có từ rất lâu.
Mietje Germonpré, một nhà cổ sinh vật học tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, cho biết xương voi ma mút có thể là bằng chứng cho thấy rằng con chó đã được “ăn” để lấy sức cho hành trình hộ tống linh hồn người chết.
Phần hộp sọ của một con chó được tìm thấy với chiếc xương trong miệng. (Ảnh: Dailymail)
Theo Germonpré, có không ít tộc người bản địa phía Bắc tin rằng phần đầu là nơi chứa đựng tinh thần hoặc linh hồn. Cô giải thích: “ở một số tộc người, phần hộp sọ của những con vật bị giết sẽ được khoét lỗ để linh hồn có thể bay ra”.
Nghiên cứu chỉ ra loài chó đã được thuần hóa từ sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây, Rob Losey, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Alberta phát biểu. Chúng có những dấu hiệu khác biệt với loài chó sói sinh sống cùng thời kỳ cũng như loài sói hiện đại như mõm ngắn hơn, hộp sọ và vòm miệng rộng hơn.
Những con chó này được cho là khá to lớn, với trọng lượng cơ thể ước tính khoảng hơn 30kg và chiều cao tính đến vai ít nhất là 60cm, giống như loài chó kéo xe trượt tuyết ở Xi-bê-ri. Các nhà khoa học tin rằng chúng được sử dụng để vận chuyển thịt, xương, ngà voi ma mút và củi.