Quai hàm linh hoạt và khả năng tạo lực ép khổng lồ để nuốt những con rắn to hơn là khả năng bí ẩn của loài rắn chúa.
Loài rắn chúa có khả năng ăn thịt những con rắn chuột lớn hơn chúng ít nhất 20%. Thách thức trong việc nuốt những con rắn lớn hơn buộc chúng phát triển quai hàm linh hoạt, tạo ra lực ép lớn để nghiền nát con mồi bên trong, theo New Scientist.
Bí ẩn nằm ở cách rắn chúa khuất phục con rắn lớn hơn nhiều. Khác động vật có vú dễ bị ngạt thở và bất tỉnh, các loài rắn chịu được việc thiếu oxy lâu hơn, cho phép chúng phản ứng dữ dội khi bị siết.
Rắn chúa đang nuốt một con rắn chuột. (Ảnh: New Scientist).
Nhà nghiên cứu David Penning và Brad Moon đã tiến hành ba thử nghiệm để nghiên cứu loài rắn chúa. Họ kiểm tra 36 con rắn chúa và rắn chuột để kiểm tra tỷ lệ cơ bắp so với kích thước cơ thể. Nhóm nghiên cứu cũng đo lực mà con rắn tạo ra khi tìm cách trốn thoát khỏi trói buộc và siết chặt con mồi.
Thử nghiệm cho thấy tỷ lệ cơ của rắn chúa không cao hơn so với rắn chuột, chúng cũng không có lực kéo mạnh hơn. Tuy nhiên, rắn chúa có lực siết cao hơn rắn chuột, dù kích thước cơ thể nhỏ hơn nhiều. Con rắn chúa mạnh nhất tạo ra lực siết gấp hơn hai lần những con rắn chuột trong thử nghiệm này.
Chìa khóa tạo ra sức mạnh của rắn chúa là cách chúng cuộn cơ thể. Rắn chuột xoắn một cách lung tung theo từng phần cơ thể, trong khi rắn chúa cuộn đồng nhất như một chiếc lò xo. Tư thế đó đem lại hiệu quả và sức mạnh cho phương pháp siết mồi của rắn chúa. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng giả thuyết này cần được kiểm nghiệm nhiều hơn.
"Quá trình tiến hóa đã tinh chỉnh các cấu trúc cơ thể có vẻ ngoài tương đồng để tạo ra kết quả thực tế rất khác biệt", giáo sư Rick Shine tại đại học Sydney phát biểu.