Khảo sát của các nhà khoa học Anh cho thấy niềm hạnh phúc ở tuổi thanh thiếu niên là động lực giúp các bạn trẻ thành đạt hơn khi bước vào tuổi 30.
Khảo sát của nhà khoa học Jan-Emmanuel De Neve tại Đại học London (Anh) và cộng sự cho thấy những người cảm nhận được hạnh phúc ở độ tuổi từ 16 - 18 sẽ có thu nhập cao hơn 10% so với mức trung bình khi họ 30 tuổi.
Ngược lại, những người cảm thấy bất hạnh sẽ có thu nhập kém hơn mức trung bình đến 30% trong tương lai ở những độ tuổi tương ứng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện sự gia tăng về mức độ hài lòng cuộc sống lúc 22 tuổi cũng có liên hệ chặt chẽ với sự gia tăng thu nhập ở độ tuổi 29.
Chuyên gia De Neve nói: “Nếu tôi thấy người nào cảm thấy cực kỳ bất mãn lúc 20 hoặc 21 tuổi rồi so sánh họ với một người khác cùng độ tuổi nhưng rất hài lòng về đời sống của mình thì số liệu thống kê sẽ dự báo mức thu nhập chênh lệch khoảng 10.000 USD trong tương lai”.
Các nhà khoa học phân tích số liệu của 10.000 người. Những người tham gia khảo sát được hỏi về hạnh phúc bản thân và sự hài lòng trong cuộc sống lúc 16 và 18 tuổi. Sau này, khi bước vào tuổi 29, họ tiếp tục được khảo sát về thu nhập cá nhân.
Nhóm nghiên cứu xác nhận nhiều yếu tố khiến những người hạnh phúc dễ thành đạt như khả năng đạt được học vấn cao, lạc quan, có quan hệ rộng và nhiều cơ hội thăng tiến…
Nhà khoa học Christopher Snowdown thuộc Viện Kinh tế Anh nhận định khảo sát này góp phần vào định hướng nghiên cứu ngày càng phát triển về mối liên hệ cùng chiều giữa hạnh phúc và thu nhập.
Nhà tâm lý học Elaine Fox tại Đại học Essex (Anh) nói kết luận dựa trên bằng chứng mới này cho rằng người hạnh phúc hơn sẽ có thu nhập cao hơn mức trung bình là điều hợp lý.
Chuyên gia De Neve cho rằng chính quyền nên có chính sách quan tâm và tăng cường những điều kiện giúp tuổi thanh thiếu niên cảm thấy hạnh phúc vì lợi ích trong tương lai của họ, trong đó có sự đánh giá đúng đắn về mức độ hạnh phúc cả về xã hội và kinh tế.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của Mỹ với đồng tác giả là Andrew Oswald thuộc Đại học Warwick (Anh), trong đó có cân nhắc đến những yếu tố khác chi phối đến vấn đề thu nhập như chỉ số thông minh (IQ), giới tính và tầng lớp kinh tế - xã hội.