Một nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chứng tỏ rằng, khi trái đất ấm lên, băng ở hai cực tan ra sẽ giải phóng một lượng lớn những vật chất gây ung thư vào trong không khí và đại dương.
Sự biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc các bệnh ung thư tăng cao. (Ảnh: internet).
Tờ Daily Mail cho hay, nghiên cứu này chỉ ra rằng, một khi những hóa chất bền vững theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư, bệnh tim mạch, hoặc chứng vô sinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những hiện tượng thời tiết cực đoan và Trái đất ấm lên sẽ làm tăng tỉ lệ tiếp xúc với các vật chất ô nhiễm.
Những chất hữu cơ ô nhiễm bền vững (gọi tắt là POPs) này có thể tồn tại trong môi trường hàng chục năm, đồng thời có thể tích tụ trong những tổ chức bên trong cơ thể. Theo các nhà khoa học, chúng bao gồm thuốc sâu DDT, hay chất Polychlorinated biphenyls (PCBs) trong các thiết bị điện.
Donald Cooper, thuộc UNEP, người sẽ công bố bản báo cáo này tại Hội nghị về khí hậu của LHQ diễn ra ở Cancun, Mexico nói, trong quá khứ, sự phát tán các chất POPs vào nước biển và không khí bị ngăn chặn bởi các sông băng. Tuy nhiên, những hiện tượng khí hậu cực đoan, như lũ lụt ở Pakistan trong năm nay, sẽ khiến rất nhiều chất ô nhiễm đang được tích trữ hoặc đợi tiêu hủy phát tán vào môi trường. Ngoài ra, việc Trái đất ấm lên sẽ khiến bệnh sốt rét lan tràn và và người ta sẽ phải dùng nhiều thuốc DDT hơn để đối phó với các loại côn trùng truyền bệnh.
Cooper cho rằng, dù chỉ một lượng rất nhỏ các chất POPs xâm nhập vào chuỗi thức ăn, tuy nhiên, thông qua nhiều năm tích lũy, nồng độ của chúng sẽ ngày càng cao lên. Và điểm cuối của chuỗi thức ăn ấy không phải ai khác chính là con người.
“Chúng tôi đã tìm thấy những chất độc hại đó trong sữa mẹ và máu của con người”, Cooper khẳng định.
“Việc bạn ở Kenya hay ở Anh không phải là vấn đề bởi vì thực phẩm được đưa đi khắp thế giới. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu, không phân biệt theo ranh giới nào cả”, Cooper bổ sung thêm.