Biến phế phẩm trở thành công cụ bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn

Vỏ dừa là phế phẩm lớn nhất của những vùng trồng dừa, nhưng chúng có thể trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ bờ biển, đồng thời tạo ra một lớp màu mỡ để thực vật sinh trưởng.

Từ những bãi cát nước Mỹ đến các đảo của Indonesia, những sợi xơ dừa đang được đưa vào dự án bảo vệ bờ biển, theo AP.

Nguyên liệu dừa được coi là một lựa chọn hiệu quả về chi phí, sẵn có và bền vững, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Chúng được sử dụng kết hợp với các biện pháp chống sạt lở khác.

Vật liệu này cũng phổ biến tại các quốc gia phát triển, tạo nên những “bờ biển sinh học" sử dụng vật liệu tự nhiên thay vì những vật cản cứng bằng gỗ, thép hoặc bê tông.


Dừa tại một đồn điền dừa ở Sungai Besar, Malaysia. (Ảnh: Reuters).

Giải pháp xanh

Một dự án sử dụng vỏ dừa đang được lắp đặt dọc theo một phần bờ sông Shark bị xói mòn tại Neptune, New Jersey, cách biển khoảng 1,6km.

Sử dụng kết hợp khoản tài trợ liên bang và quỹ địa phương, nhóm bảo tồn ven biển American Littoral Society đang thực hiện dự án trị giá 1,3 triệu USD để bảo vệ bờ sông bị siêu bão Sandy xói mòn vào năm 2012.

“Chúng tôi luôn cố gắng giảm sự ảnh hưởng của sóng nước khi kè bờ sông. Chúng tôi muốn sử dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bất cứ khi nào có thể”, Tim Dillingham, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết. “Vật liệu này có sẵn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và tương đối rẻ so với vật liệu cứng”.

Xơ dừa được bóc ra từ gáo dừa, sau đó dệt thành thảm hoặc khúc gỗ, được giữ chắc trong lưới. Ở những khu vực đang phát triển, người dân có thể tận dụng lưới cá hỏng.


Các khúc gỗ từ xơ dừa được lắp đặt bên bờ sông Shark ở Neptune, New Jersey. (Ảnh: AP).

Tính linh hoạt cho phép xơ dừa có thể được lắp đặt trên những bề mặt bờ biển không bằng phẳng, sau đó cố định bằng cọc gỗ.

Vật liệu làm từ dừa có thể phân hủy sinh học theo thời gian. Cây và cỏ có thể được gieo hạt bên trong, hoặc người dân đặt cây vào những lỗ đục sẵn.

Các khúc gỗ xơ dừa giữ cây tại chỗ, giúp chúng bén rễ và phát triển. Đến thời điểm dừa bị phân hủy, cây lớn đã đủ khả năng giữ đất và ổn định bờ biển.

Julia Hopkins, phó giáo sư thuộc Đại học Northeastern tại Boston, sử dụng sợi dừa, dăm gỗ và các vật liệu khác để tạo ra một loại thảm nổi. Nó có chức năng giảm lực của sóng và giúp thảm thực vật thủy sinh phát triển.

Một dự án thí điểm gồm 4 tấm thảm sợi dừa đã được lắp đặt trên các tuyến đường thủy xung quanh Boston. Cô Hopkins hình dung ra một mạng lưới gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấm thảm liên kết với nhau để bảo vệ những khu vực ven bờ rộng lớn.

“Xơ dừa là nguyên liệu hữu cơ, tương đối rẻ và phế phẩm. Chúng ta sẽ tái chế một thứ phế phẩm”, cô nói và hài lòng với hiệu quả của dự án.

Giới hạn của xơ dừa

Hai dự án ở East Providence, Rhode Island, đã sử dụng vỏ dừa từ năm 2020. Bờ biển dài 731 mét ở vịnh Jamaica của New York bị xói mòn trong siêu bão Sandy đã ổn định vào năm 2021 bởi một dự án cũng sử dụng xơ dừa.

Cape Cod, Massachusetts đã thực hiện một dự án tương tự vào năm ngoái. Sở Kiểm soát Tài nguyên và Môi trường Delaware đang cung cấp tài trợ cho người dân lắp đặt bờ biển sinh học từ vật liệu xanh, có thể bao gồm xơ dừa.

Một dự án ở Texas đã ổn định một phần bờ hồ Austin. Giám sát từ năm 2009 đến năm 2014 cho thấy tình trạng xói mòn đã giảm, đồng thời thực vật bản địa phát triển mạnh.


Cận cảnh một khúc gỗ xơ dừa. (Ảnh: AP).

Indonesia là nhà sản xuất dừa lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 17 triệu tấn vào năm 2021. Các nhà khoa học từ Chương trình Hải dương học của Viện Công nghệ Bandung đã sử dụng vật liệu xơ dừa để giúp người dân xây dựng bờ kè ở làng Karangjaladri, Pangandaran vào năm 2018.

Cư dân của đảo Diogue ở Senegal đang sử dụng các cấu trúc bằng thân và lá dừa để phục hồi các bãi biển bị xói mòn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng xơ dừa cũng hiệu quả.

Vào năm 2016, Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Felix Neck ở Edgartown, Massachusetts đã lắp đặt hệ thống chống sạt lở tại hồ Sengekontacket. Xơ dừa giúp giảm xói mòn trong một thời gian, nhưng không tồn tại được lâu do tác động của sóng mạnh.

“Nó bị cuốn trôi nhiều lần. Chúng tôi đã sử dụng trong vài năm và quyết định không lắp đặt tiếp”, Suzan Bellincampi, giám đốc của khu bảo tồn, cho biết.

“Dự án rất thú vị ở cách chúng ta áp dụng và điều chỉnh. Nhưng nó dành cho từng khu vực nhất định, không phải ở đâu cũng hoạt động”, bà nhấn mạnh.

Tương tự, thảm và gỗ dừa được sử dụng trên đảo Chapel ở Nova Scotia, Canada. Nhưng chúng bị hư hại do thời tiết xấu.

Cập nhật: 16/03/2023 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video