Biến thành người khác sau khi ghép tạng

Một cô bé sau khi nhận trái tim từ nạn nhân của một vụ giết người đã mô tả chính xác hung thủ, giúp cảnh sát phá án thành công. Một người chồng sau khi ghép thận của vợ bỗng thích nấu ăn và đi mua sắm.

Có nhiều câu chuyện về những hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở bệnh nhân ghép tạng mà các nhà nghiên cứu chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng.

Trái tim mới, con người mới

Trước đây, Jaime Sherman chẳng bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ chơi thể thao hoặc ăn món ăn Mexico nhưng sau ca ghép tim, mọi chuyện đã khác hẳn. Cô tham gia đội bóng chày, tập bơi và không bỏ sót một trận bóng đá nào trên truyền hình. Cô mê mẩn trước những món cay xé lưỡi của đất nước Trung Mỹ. Ngạc nhiên vì sự thay đổi của chính mình, Jaime Sherman tìm hiểu và được biết, tất cả những thói quen đó là của người đã tặng cho cô trái tim. Anh ấy là vận động viên nghiệp dư của một trường đại học ở bang Kansas, Mỹ.

Một ca phẫu thuật ghép tạng. (Ảnh: Vista.gov.vn)

Không chỉ thế, Jaime Sherman còn được nghe nhiều câu chuyện lạ lùng về những người cùng hoàn cảnh. Một người đàn ông 47 tuổi, sau ca ghép tim đột nhiên thấy say mê các giai điệu cổ điển, đặc biệt là những bản nhạc viết cho đàn violon dù từ nhỏ ông là người hoàn toàn mù về âm nhạc. Thì ra trái tim mới của ông trước đây thuộc về một thiếu nữ yêu nhạc cổ điển và chơi violon.

Một người khác, sau khi được ghép tim của một cô gái mắc bệnh biếng ăn bỗng xuất hiện những triệu chứng khó chịu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi xào nấu.

Một doanh nhân 58 tuổi ở bang Arizona, Mỹ vốn là người say mê công việc và gần như suốt đời chỉ có mối bận tâm duy nhất là tiền bạc, sau khi được ghép tim của một nhà hoạt động xã hội đã từ bỏ kinh doanh và dành phần lớn thời gian để làm từ thiện.

Kỳ lạ nhất là trường hợp được bác sỹ Paul Peasall đề cập trong cuốn "Mật mã trái tim". Cô bé 8 tuổi nhận trái tim của một bé gái khác chết trong một án mạng. Sau ca phẫu thuật, cô bé liên tục gặp những giấc mơ khủng khiếp về vụ án. Khi cảnh sát và chuyên gia tâm lý sử dụng những miêu tả của cô về chân dung kẻ sát nhân, họ đã bắt được y không mấy khó khăn. Hung thủ sau đó đã phải cúi đầu nhận tội trước những bằng chứng chính xác về thời gian, địa điểm, vũ khí gây án mà cô bé mang trái tim nạn nhân của hắn đưa ra.

Bí mật của tế bào

Giới y học đều thừa nhận, một số bệnh nhân sau khi được ghép nội tạng, đặc biệt là tim, có những biến đổi bất thường về mặt tâm, sinh lý nhưng họ không thể thống nhất với nhau trong cách giải thích nguyên nhân của hiện tượng này. Tiến sĩ Jack Copeland, bác sĩ phẫu thuật tim hàng đầu ở Mỹ cho rằng, sau phẫu thuật, một số người ốm đau sẽ trở nên khỏe mạnh nên không có gì ngạc nhiên khi họ sẽ bắt đầu những hoạt động mà trước đây điều kiện sức khỏe không cho phép. Một số người thậm chí còn thay đổi hoàn toàn, sống tích cực để bù lại quãng thời gian bỏ phí vì bệnh tật.

Còn theo tiến sĩ John Schoroeder (Đại học Stanford), sự kết hợp của hàng chục loại thuốc chống đào thải sau phẫu thuật và các chất gây mê trước đó đã tác động rất lớn đến tâm lý bệnh nhân, khiến họ thay đổi thói quen sinh hoạt.

Gây tranh cãi nhất là cách giải thích dựa trên lý thuyết về "ký ức tế bào". Một số chuyên gia tâm lý Đại học Arizona, những người đưa ra lý thuyết này cho rằng, mọi tế bào đều mang một phần năng lượng và ký ức của cơ thể mà từ đó nó sinh ra. Một khi tế bào còn sống thì ký ức còn tồn tại và nó sẽ tiếp tục hoạt động khi tế bào mang nó được cấy ghép vào cơ thể mới. Như vậy, ký ức của một con người có thể nằm ở bất cứ đâu trong cơ thể: tim, phổi, thận, gan... Chính những bộ phận này sẽ đem ký ức về người hiến tặng sang người nhận và làm thay đổi thói quen của họ.

Trong khi cách giải thích này còn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi thì đã có một bác sĩ vận dụng nó để cải thiện tình trạng cho bệnh nhân ghép tạng. Giáo sư Mehmet Oz ở Mỹ đã cho mời một chuyên gia chữa bệnh bằng năng lượng tham gia vào các ca phẫu thuật. Trong khi các bác sĩ thao tác thì người này dùng khả năng của mình tác động vào cơ thể bệnh nhân và bộ phận cấy ghép để dung hòa sự khác biệt giữa hai yếu tố. Kết quả thật bất ngờ, tỷ lệ đào thải sau phẫu thuật giảm xuống, khả năng sống và bình phục của bệnh nhân được cải thiện đáng kể.

Biến đổi gen và sức ép tâm lý

Tiến sĩ Lili Phong, giáo sư trường Y Dược Baylor, bang Texas, Mỹ, cho biết, về phương diện y học rất khó tìm được một người hiến bộ phận cơ thể phù hợp. Để giảm thiểu tối đa xác suất đào thải bộ phận lạ thì máu người cho và người nhận phải cùng loại và kiểm tra PRA (Panel Reactive Antibody) phải âm tính. Ngay cả để có được người cho không "lý tưởng" như vậy thì tại Mỹ, bệnh nhân muốn ghép thận cũng phải đợi chờ từ 2-3 năm hoặc lâu hơn nữa.

Khoa học đã chứng thực được sức ép tâm lý có thể gây ra biến động về ADN. Do đó, nội tạng của những người chịu sức ép lớn về tâm lý (chẳng hạn như tù nhân...) được coi là không tốt cho việc ghép tạng. Sau khi nhận được nội tạng mới, bệnh nhân trong thời gian ngắn có thể cảm thấy tiến bộ về sức khỏe nhưng về lâu dài thì sẽ nảy sinh vấn đề.

Việc người cho tạng có phải chịu sức ép tâm lý hay chưa và điều đó ảnh hưởng lên ADN của tế bào nội tạng hay không là những gì khoa học chưa kiểm chứng được.

Một chuyên gia nghiên cứu về phẫu thuật thận tại Mỹ cho hay, ngay cả giữa những người ruột thịt, nếu người hiến thận có tâm lý lưỡng lự khi hiến thì kết quả cũng bị ảnh hưởng. Thực ra, những người đã chịu áp lực tâm lý lớn thường bị tổn thương ở thần kinh, mà hệ thần kinh đó điều khiển các bộ phận cơ thể. Hiện nay, người ta đã chứng thực được rằng hoạt động của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến sức khỏe của nội tạng cấy ghép.

Giáo sư Lê Thế Trung, nguyên giám đốc Viện Quân y 103, một trong những chuyên gia về ghép nội tạng tại Việt Nam cho rằng, tế bào của từng tạng không ảnh hưởng đến tư tưởng của người cho và người nhận. Trên phương diện y học, việc cấy ghép chỉ được "chấp nhận" khi người hiến và người nhận có bộ phận cơ thể phù hợp, không miễn dịch nhau, có thể hòa nhập và phát triển... Hiện tượng thay đổi bản tính sau phẫu thuật là do sức ép của tâm lý. Những người được nhận tạng là những người chịu áp lực tâm lý lớn (họ cho rằng họ sẽ chết) thường bị tổn thương ở hệ thần kinh, mà hệ thần kinh đó điều khiển các bộ phận cơ thể. Hơn nữa, từ một cơ thể ốm yếu, nhờ người hiến tạng mà họ khỏe mạnh nên họ luôn nghĩ đến người đó, làm theo người đó. Khi tâm lý bị chi phối mạnh mẽ, sẽ có tác động vào hệ thần kinh, khiến cho người được nhận thay đổi hành vi và có một phần giống với người tặng tạng cho mình. Có không ít trường hợp, người thân của những người cho tạng đến thăm người nhận, coi đó như người thân của mình, làm họ càng muốn giống với người kia.

Theo Thế Giới Mới, Vnexress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video