Ngày 10/10, Sở VHTTDL Bình Định đã công bố kết quả khai quật phế tích gò tháp Lai Nghi nằm trong khu đất của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (ở xóm Bắc, thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Hàng trăm hiện vật gồm: phù điêu voi, phù điêu hình quái vật Makala, phù điêu mặt Kala,... chưa lần khai quật nào được tìm thấy tại các di tích Chăm ở Bình Định.
Quan khách tại buổi công bố kết quả khai quật phế tích gò tháp Lai Nghi
Tại 3 vị trí hố trong tổng diện tích trên 100m2, đoàn khai quật của Bảo tàng Bình Định đã thu được 619 hiện vật, trong đó có 383 hiện vật bằng gốm đất nung có giá trị độc đáo (niên đại vào khoảng thế kỷ 12 – 13).
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tìm thấy một tượng tròn Voi bằng gốm sành nung già; được xem là sản phẩm của trung tâm sản xuất gốm Chăm cổ ở khu vực này.
Một số hiện vật độc đáo vừa được tìm thấy tại gò tháp Lai Nghi
Theo TS. Đinh Bá Hòa - Giám đốc Bảo tàng Bình Định, việc khai quật phế tích Lai Nghi nhằm cứu vãn di tích văn hóa còn sót lại tại di tích, qua đó để hiểu thêm về quy mô của khu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng của tháp. Từ đó, so sánh với kỹ thuật xây dựng các tháp trong vùng; đồng thời, bổ sung vào danh mục các di tích Chăm trên đất Bình Định còn lại cho đến ngày nay.
Đây là đợt khai quật thu được nhiều hiện vật phù điêu đất nung còn nguyên vẹn và đẹp nhất từ trước đến nay tại phế tích Lai Nghi.