Một bộ não người 4.000 năm tuổi vừa được các nhà khoa học phát hiện tại phía tây Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng được bảo quản tốt.
>>> Sọ người La Mã cổ đại dưới lòng sông Thames
Theo các nhà khoa học tại đại học Halic, Thổ Nhĩ Kỳ, bộ não này như một quyển nhật ký cung cấp nhiều manh mối về trí tuệ thời tiền sử. Ngoài bộ não, các nhà khoa học còn tìm thấy vài bộ xương tại khu vực gần đó. Qua quan sát những bộ xương bị cháy nằm trong lớp trầm tích, nhóm nghiên cứu cho biết một trận động đất đã tấn công khu vực, vùi lấp nhiều người trước khi lửa bao trùm các đống đổ nát.
Bộ não 4.000 năm tuổi (phải) tương đối nguyên vẹn so với một bộ não bình thường. (Ảnh: LiveScience)
"Hiện trạng bảo quản và số tuổi của bộ não này thật đáng chú ý", LiveScience dẫn lời ông Frank Ruhli, chuyên gia về não bộ tại đại học Zurich ở Thụy Sĩ, cho biết. Theo các nhà khoa học, ngọn lửa hút hết khí oxi và làm bốc hơi nước có trong não. Việc không có khí oxi và độ ẩm đã giúp bộ não được bảo tồn hàng thiên niên kỷ.
Một yếu tố quan trọng khác giúp bảo tồn bộ não qua hàng nghìn năm là dải đất giàu kali, magie và nhôm. Khi các loại chất hóa học này phản ứng với axit béo trong mô của con người chúng sẽ tạo thành chất adipocere, một loại sáp vật chất giúp bảo quản bộ phận cơ thể người.
Theo nhóm nghiên cứu, đây không phải là bộ não đầu tiên tồn tại hàng nghìn năm nhưng có thể đây sẽ là bộ não lâu đời nhất từ trước đến nay. Hai năm trước, các nhà khoa học cũng tìm thấy bộ não có niên đại 2.600 tuổi trong một đầm lầy cạn kiệt nước và khí oxi.
Ruhli cho rằng việc nghiên cứu bộ não này có thể cung cấp nhiều thông tin về các bệnh lý như ung thư và tình trạng thoái hóa xa xưa. "Nếu muốn nghiên cứu thêm về lịch sử của chứng rối loạn thần kinh thì chúng ta cần có những bộ não như thế này", ông nói thêm.