Bọ xít hút máu người có khả năng tấn công toàn cầu

Bọ xít hút máu là thủ phạm gây bệnh ký sinh trùng tại khu vực Mỹ La Tinh từ nhiều năm trước. Hiện bệnh dịch này đã xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới trong đó có Việt Nam.

>>> Bọ xít hút máu đang âm thầm phát tán khắp thế giới

Khả năng loài côn trùng này lan rộng trên thế giới trong khi các nhà khoa học chưa nghiên cứu sâu hơn về hiện trạng sinh trưởng, phát tán của nó, là vấn đề đặt ra trong hội thảo sáng 20/6 về "Thực trạng vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam", ở Hà Nội.

Ông Jun Nakagawa, Đại diện tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết, bệnh Chagas - một bệnh do bọ xít hút máu người gây ra - được coi là vấn đề y tế ở Mỹ La tinh nhưng thực tế nó đã phát triển thành vấn đề toàn cầu. Do người di cư và khách du lịch tăng liên tục, các trường hợp mắc Chagas được báo cáo ở 19 nước ngoài khu vực Mỹ La tinh, bao gồm Nhật và Australia.

Ông cho rằng, bệnh Chagas có nguy cơ cao trở thành một vấn đề sức khỏe ở Tây Thái Bình Dương nên cần được nghiên cứu và quan tâm hơn nữa.


Ổ bọ xít hút máu người thu được ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)

Mấy năm gần đây, bọ xít hút máu người xuất hiện một cách ồ ạt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam (đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Huế…), Thái Lan (Bankok, Phuket,…). Mới đây chúng còn được phát hiện tại Philippine (Manila, Quezon City)…

Tại Việt Nam, bọ xít hút máu người đã tồn tại từ rất lâu nhưng mới được phát hiện từ năm 2011. Hiện nay, loài bọ xít này đã phát tán tại ít nhất 20 tỉnh, riêng Hà Nội được ghi nhận tại 29 quận, huyện.

Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, thực tế Việt Nam tới nay chưa phát hiện trường hợp nào bị bọ xít hút máu nhiễm bệnh Chagas không hẳn vì chưa có ai bị bệnh, mà do chưa có bộ kit đặc hiệu để xét nghiệm cụ thể, tất cả mới chỉ dựa vào quan sát.

Ông cho biết, các trường hợp bị bọ xít hút máu đều được theo dõi, nhưng chỉ đơn giản bằng cách thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, chứ chưa tiến hành theo một quy trình cụ thể, khoa học, thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe.

Ông cho hay, theo chia sẻ của các chuyên gia ở một số nước tồn tại bọ xít hút máu và có người nhiễm bệnh Chagas thì tình trạng ở Việt Nam hiện nay tương tự như giai khởi phát tại địa phương họ, chẳng hạn như đảo Reunion (Pháp). Vì thế cần có một nghiên cứu quy mô sâu rộng để tiếp cận, đánh giá kỹ lưỡng những hiểm họa dịch bệnh do loài bọ xít hút máu này gây ra.

"Ở Việt Nam, hiện nay nghiên cứu về bọ xít hút máu người hầu như vẫn là con số 0. Mới chỉ có rất ít nghiên cứu, và đều mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu về sự phân bố, đặc điểm sinh cảnh sống của loài này... Có những vấn đề chúng ta mới chỉ ghi nhận là hiện tượng, ví dụ như loài bọ xít này thích đốt trẻ con hơn người lớn, chúng thường đi liền với nơi có chuột chứ chưa thể giải thích nguyên do cặn kẽ", ông Lam nói.


Sinh cảnh tạo ổ của bọ xít hút máu có liên thông với chuột nhà. (Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)

Giáo sư Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng, loài bọ xít hút máu người ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, thích nghi với điều kiện ở nước ta nên việc mang kinh nghiệm đối phó với nó từ khu vực Mỹ La tinh để áp dụng là không phù hợp. Ông cũng cho rằng, việc loài này ở Việt Nam có truyền bệnh hay không vẫn chưa biết, và phải có nghiên cứu xem xét về vấn đề dịch tễ.

Ông Côn cho hay, Chagas là bệnh gây tử vong từ từ, nó làm con người yếu đi, dễ mắc các bệnh khác như tim mạch, thần kinh... Có hàng chục triệu người Châu Mỹ La tinh đã mắc bệnh này.

"Ở Việt Nam, khi mới bị đốt, người ta có hiện tượng ban đầu là tấy đỏ thậm chí sốt, nhưng về sau như thế nào thì chưa có ai nghiên cứu cụ thể. Hiện chúng ta mới chỉ khuyến cáo người dân gặp bọ xít hút máu người có hình dáng như các nhà khoa học đã mô tả thì bắt lại đưa cho nhà chuyên môn thẩm định, nghiên cứu, tìm tiêu diệt hết bọ xít, trứng của chúng, phá vỡ điều kiện sống thuận lợi của bọ xít hút máu là môi trường ẩm thấp, có gỗ mục, chuột...", giáo sư Côn nói.

Theo ông, do tính chất nguy hiểm của loại bệnh mà loài bọ xít này có thể gây ra và làm lây truyền, chúng ta cần có những nghiên cứu tiếp theo về loài này và khả năng gây bệnh, những người trong danh sách bị đốt cần được kiểm tra lâu dài.

Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video