Bồn cầu phát nổ do đâu, làm sao tránh?

Nhiều vụ nổ bồn cầu gây thương vong, trong đó có Việt Nam, khiến không ít người giật mình không biết bồn cầu nhà mình có an toàn không.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trường Sơn - khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết các chất thải hữu cơ từ bồn cầu sẽ được chứa trong hầm cầu (bể phốt).

Thường hầm cầu có 3 ngăn: ngăn chứa, ngăn lắng và ngăn lọc. Tại ngăn chứa, các chất thải sẽ lên men yếm khí bởi các vi sinh vật. Phần cặn của quá trình lên men sẽ lắng xuống đáy ngăn.

Khí sinh ra trong quá trình lên men gồm chủ yếu khí metan (CH4), ammoniac (NH3), cacbonic (CO2), hidro sunfua (H2S), lưu huỳnh đi-ô-xit (SO2)… sẽ được thoát ra ngoài trời theo ống thông hơi.

Phần lỏng sẽ theo một ống thông chảy qua ngăn lắng và những phần cặn chưa kịp lắng ở ngăn chứa sẽ lắng xuống ở ngăn này.

Phần nước trong bên trên sẽ chảy ra ngăn thứ ba - ngăn lọc và chảy vào cống xả hoặc cho ngấm vào đất.


Một bồn cầu phát nổ - (Ảnh: Daily Mail).

Nếu lắp đặt ống thông hơi không đúng hoặc ống bị nghẹt, việc tích tụ khí trong quá trình phân hủy chất thải hữu cơ sẽ làm tăng áp suất trong hầm cầu, có thể gây nổ.

Hoặc khi các khí này xì qua các khe nứt của hầm cầu mà gặp tia lửa sẽ cháy và gây nổ hầm cầu.

TS Nguyễn Trường Sơn đưa ra lời khuyên: kích thước của hầm cầu phải được tính toán phù hợp với số lượng người sử dụng (lượng chất thải), đồng thời nên kiểm tra ống thông hơi ít nhất 1 năm 1 lần để kịp phát hiện trường hợp ống bị nghẹt.

Làm gì để giữ an toàn?

Theo TS Ngô Thanh An, phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Dự án, ĐH Bách Khoa TP.HCM, nguyên nhân cháy nổ là do khí metan. Do vậy, cần lưu ý đến những nguồn phát sinh khí metan như bếp ga, toilet, thùng rác.

Để đảm bảo an toàn, cần tránh sự rò rỉ khí từ hầm cầu vào toilet. Muốn thực hiện được việc này, cần có ống thông khí để cân bằng áp suất giữa bên trong và bên ngoài.

Ống thông khí đóng vai trò quyết định trong việc loại bỏ áp suất khí sinh ra từ bên trong của hầm cầu. Do vậy, phải lưu ý trong việc thiết kế và lắp đặt ống thông khí cho hầm cầu.

Đường kính ống thông khí không dưới 60mm, dẫn lên cao trên mái nhà ít nhất 0,7m để tránh mùi và khí độc hại. Ống thông khí không được đặt ngập trong chất lỏng (có như vậy mới có vai trò thông khí với bên ngoài).

Cần tránh xây dựng hầm cầu ở những nơi hay ngập lụt. Vì nước từ môi trường bên ngoài có thể chảy vào trong bồn cầu, làm ngập luôn ống thông khí, dẫn đến tạo áp trong hầm cầu.

Cạnh đó, cần lưu ý việc làm kín mối nối tiếp xúc giữa bồn cầu và đường ống thoát chất thải, tránh hiện tượng rò rỉ khí qua mối nối này.

TS An khuyên không nên hút thuốc trong toilet, nhất là khi phát hiện mùi lạ. Thay vào đó, cần tìm ngay nguyên nhân gây rò rỉ khí và khắc phục ngay.

"Bên cạnh toilet, bếp ga, cũng phải lưu ý đến hệ thống cống rãnh trong nhà. Không nên mở nắp đậy lỗ thoát nước trong nhà tắm bởi nó có thể dẫn khí có chứa metan, H2S từ hệ thống cống thải vào nhà, từ đó có thể gây ngạt, tạo mùi hôi thối, hoặc tiềm tàng gây ra sự cháy nổ", TS An nói thêm.

Cập nhật: 06/03/2018 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video