Trạm nghiên cứu khoa học Comandante Ferraz rộng 4.500m2 hôm 14/1 chính thức được đưa vào hoạt động trên hòn đảo King George.
Trạm nghiên cứu Comandante Ferraz của Brazil ở Nam Cực. (Ảnh: Science Mag).
Cơ sở mới trị giá 100 triệu USD, được xây dựng bởi Tập đoàn Xuất nhập khẩu Điện tử Quốc gia Trung Quốc, trông nổi bật với thiết kế kiến trúc bóng bẩy như khách sạn sang trọng. Nó có kích thước lớn gần gấp đôi trạm nghiên cứu cũ đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn 8 năm về trước.
Trạm Comandante Ferraz, bao gồm 17 phòng thí nghiệm, sẽ hỗ trợ nghiên cứu một loạt các lĩnh vực từ địa lý, cổ sinh vật học, biến đổi khí hậu đến sinh lý con người. Cơ sở còn được trang bị nhiều phòng ở, đủ chỗ cho 64 nhà khoa học sinh sống và làm việc.
Sau vụ cháy năm 2012, các nhà khoa học Brazil vẫn tiếp tục các hoạt động ở Nam Cực với sự hỗ trợ của hai tàu nghiên cứu hải dương của lực lượng hải quân. Tuy nhiên, quá trình thu thập mẫu vật rồi đưa về Brazil để nghiên cứu có thể mất tới vài tháng. Bây giờ, họ có thể xử lý chúng ngay tại cơ sở mới trên hòn đảo King George của Nam Cực.
Buổi lễ khánh thành Trạm nghiên cứu Comandante Ferraz đã diễn ra vào hôm thứ Tư với sự tham dự của Phó tổng thống Brazil Hamilton Mourao và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Marcos Pontes. Sự hiện diện của Brazil tại Nam Cực không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn liên quan đến chính trị khi quốc gia này là thành viên của Hiệp ước Nam Cực 1959, nhằm giảm khả năng tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.