Cá heo "phát minh" kỹ thuật lặn xoay để săn mồi

Cá heo Risso chuyên săn mồi ở độ sâu 600m dưới mặt biển xoay tròn cơ thể trong lúc lặn để có thể lao qua nước cực nhanh.

Cá heo Risso lặn nhanh và hiệu quả để bắt mồi ở độ sâu hàng trăm mét bằng cách xoay cơ thể trong lúc bơi qua làn nước ở tốc độ cao. Loài cá heo mặt tròn này nhả khí trong phổi, sau đó lặn theo đường gần như thẳng đứng, xoay tới 3 vòng hoàn chỉnh khi xuyên qua nước biển. Các nhà nghiên cứu gọi đây là kỹ thuật lặn xoay. Kỹ thuật này có thể giúp cá heo Risso nhanh chóng tiếp cận lớp nước chứa nhiều mực, cá và loài giáp xác, đồng thời sử dụng tối ưu năng lượng và oxy. Nhờ đó, hoạt động lặn mang lại nhiều lợi ích hết mức có thể, theo nhà nghiên cứu Fleur Visser ở Đại học Amsterdam.


Cá heo Risso gần quần đảo Azores ở Đại Tây Dương. (Ảnh: Alamy)

Visser và cộng sự nhận thấy cá heo Risso (Grampus griseus) xoay vòng ở mặt nước trước khi lặn. Để tìm hiểu những con vật đang làm gì, các nhà nghiên cứu gắn máy đo sinh học cho 7 con cá heo gần đảo Terceira của Bồ Đào Nha để ghi chép dữ liệu về âm thanh, chuyển động 3D và độ sâu, thu thập thông tin về tổng cộng 226 lần lặn với độ sâu từ 20 đến 623 m.

Đối với hoạt động lặn sâu hơn, cá heo bắt đầu đập mạnh vây và xoay cơ thể từ phải sang trái kết hợp thở mạnh để giảm lực nổi. Sau đó, chúng bơi chúi xuống theo góc 60 độ và bắt đầu lặn xoay ở tốc độ cao, tiếp đó là lướt nhanh, đạt tốc độ trung bình 9 km/h và độ sâu trung bình 426m. Cá heo Risso chỉ định vị bằng tiếng vang để tìm mồi ở tầng nước tối sau khi ngừng xoay tròn (khoảng 36 giây từ lúc bắt đầu lặn). Điều này cho thấy cá heo biết nơi có thức ăn và lên kế hoạch hoạt động lặn. Chúng sẽ ở dưới nước trong gần 10 phút, bao gồm thời gian săn mồi.

Ngược lại, lặn ở vùng nước nông không cần thao tác xoay. Cá heo lặn xuống độ sâu trung bình 178m ở tốc độ 7km/h, bắt đầu định vị bằng tiếng vang gần như ngay khi chúng lặn. Thời gian của những chuyến lặn nông cũng ngắn hơn, cá heo trở lại mặt nước để lấy dưỡng khí sau khoảng 6 phút.

Trong cả hai trường hợp, cá heo mất cùng một khoảng thời gian từ khi lặn tới lúc tiếp cận con mồi, theo Visser. Lặn xoay xuống vùng nước sâu thường diễn ra vào ban ngày trong khi các chuyến lặn nông diễn ra chủ yếu vào bình minh hoặc hoàng hôn. Hành vi này có thể được lý giải bởi con mồi ưa thích của cá heo. Chúng nhắm tới con mồi thuộc lớp nước phân tán sâu, trong đó nhiều loài sinh vật biển tới gần mặt nước vào buổi tối để kiếm ăn và lặn xuống vùng biển sâu hơn vào hoàng hôn để tránh động vật săn mồi. "Cá heo thực sự biết trước nơi chúng cần bơi tới và kiểu lặn cần áp dụng để tới đó", Visser kết luận.

Cập nhật: 02/12/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video