Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện một loài cá mập bí ẩn ở phía đông Thái Bình Dương. Trong loài này, bộ phận sinh dục của cá đực nằm trên trán.
Douglas Long - một chuyên gia hải dương của Bảo tàng Nghệ thuật, Lịch sử và Khoa học tự nhiên Oakland tại bang California, Mỹ - cho biết ông và các đồng nghiệp đã chụp được ảnh một con cá mập lạ ở độ sâu vài km gần bờ biển California. Nó có chiều dài khoảng 0,9 m. Do loài cá này không thích ánh sáng và rất khó phát hiện nên các nhà khoa học gọi chúng là "cá mập ma".
Theo National Geographic, kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, người ta đã đồn đại về sự tồn tại của "cá mập ma". Từ đó tới nay giới khoa học đã sử dụng radar để tìm kiếm chúng nhưng không thấy. Mãi tới gần đây một nhóm chuyên gia của Bảo tàng Nghệ thuật, Lịch sử và Khoa học tự nhiên Oakland mới phát hiện ra nơi sinh sống của chúng sau khi tìm kiếm trong những hóa thạch cá ở phía đông Thái Bình Dương. Kích thước, hình dạng và tỷ lệ của các bộ phận trên cơ thể "cá mập ma" hoàn toàn khác với những loài cá mập đang tồn tại. Vì thế nhóm nghiên cứu kết luận rằng chúng là loài chưa từng được biết tới.
Con cá mập ma còn sống (trên) và hóa thạch của loài này trong Bảo tàng Nghệ thuật, Lịch sử và Khoa học tự nhiên Oakland. (Ảnh: National Geographic). |
Trong bài báo đăng trên số tháng 9 của tạp chí Zootaxa, nhóm của Long cho rằng số lượng "cá mập ma" tăng nhanh trong vài năm gần đây. Chúng phân bố chủ yếu gần bờ biển California và bán đảo Baja California của Mexico. "Cá mập ma" có một số đặc điểm mà chúng ta chưa từng thấy ở bất kỳ động vật nào trên trái đất. Chẳng hạn, cơ quan sinh dục của con đực nằm ở trên trán và có thể co duỗi như lò xo. Bộ phận ấy - có hình dạng giống dùi cui có một đầu nhọn - có thể được sử dụng để kích thích hoặc kéo cá mập cái. Tất nhiên, đó mới chỉ là phán đoán của các nhà khoa học.
Long nói rằng "cá mập ma" thuộc nhóm những loài động vật xuất hiện trên trái đất sớm nhất. Có lẽ chúng bắt đầu tách ra khỏi các loài cá mập khác trong quá trình tiến hóa từ khoảng 400 triệu năm trước. "Cá mập ma" sống sót tới ngày nay do chúng thích nghi được với môi trường khắc nghiệt dưới đáy đại dương.
"Sự tồn tại của cá mập ma cho chúng ta thấy đại dương rất phức tạp. Rất có thể đại dương còn có rất nhiều loài mà con người chưa biết", Long phát biểu.