Hàng chục con cá voi hoa tiêu đã chết do mắc cạn trên một bãi biển ở mũi phía bắc Đảo Nam, Cơ quan Bảo tồn New Zealand cho biết.
Tổng cộng 34 con cá voi hoa tiêu đã được tìm thấy mắc cạn dọc bờ biển Farewell Spit trong Vịnh Vàng (Golden Bay) ở Đảo Nam của New Zealand vào sáng 17/3 và ít nhất 31 con trong đó đã chết bất chấp nỗ lực giải cứu của các nhà bảo tồn.
"Thật đau lòng! Cá voi mắc cạn là hiện tượng tự nhiên. Nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng Golden Bay là một điểm nóng mắc cạn do Farewell Spit nối quanh lối vào phía bắc của vịnh và tạo thành các bãi triều rộng hàng kilomet", Cơ quan Bảo tồn New Zealand cho biết.
Nhân viên cứu hộ cố gắng cứu sống một con cá voi hoa tiêu mắc cạn ở Farewell Spit. Ảnh: Cơ quan Bảo tồn New Zealand
Theo phát ngôn viên Dave Winterburn, nhóm cứu hộ gồm các nhân viên y tế và nhà bảo tồn ban đầu đã giải cứu thành công 5 con cá voi hoa tiêu và đưa chúng trở lại đại dương, nhưng chỉ ít giờ sau, 2 con trong đó đã mắc cạn trở lại và không qua khỏi.
Mặc dù được gọi là cá voi, cá voi hoa tiêu (Globicephala) trên thực tế là một chi thuộc họ Cá heo đại dương. Chúng phân bố rộng khắp các vùng biển trên thế giới nhưng số lượng đang suy giảm do đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường sống. Globicephala chỉ có hai loài còn tồn tại là cá voi hoa tiêu vây dài (G. melas) và cá voi hoa tiêu vây ngắn (G. macrorhynchus). Những sinh vật mắc cạn ở Farewell Spit hôm thứ Năm được xác định thuộc loài vây dài.
Cả G. melas và G. macrorhynchus đều nổi tiếng với các vụ mắc cạn hàng loạt trên thế giới. Chỉ tính riêng tại Farewell Spit, đã có ít nhất 11 lần cá voi hoa tiêu mắc cạn trong 15 năm qua. Lần thảm khốc nhất xảy ra vào tháng 2/2017, khi có gần 700 con cá voi hoa tiêu dạt vào bờ biển và khoảng 250 con đã chết, theo BBC.