Các nhà khoa học giải mã được những ký tự bí ẩn 4.000 năm tuổi

Hệ thống chữ viết bí ẩn cổ đại của người Elamite xưa kia (vùng đất ngày nay là miền Nam Iran) được sử dụng vào khoảng từ năm 2.300 trước Công nguyên đến 1.800 trước Công nguyên.

Cuối cùng khoa học đã giải mã được chúng, mặc dù một số chuyên gia vẫn còn hoài nghi về những kết quả này.

Chỉ có khoảng 40 mẫu vật chứa đựng chữ viết Elamite còn tồn tại cho đến ngày nay khiến cho việc giải mã hệ thống chữ viết này vô cùng khó khăn, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ đã hoàn thành phần lớn công việc này và đã công bố kết quả trên tạp chí Nghiên cứu chữ viết phương Đông cổ đại và Cận Đông khảo cổ học.

Chìa khóa để các nhà nghiên cứu giải mã chính là việc phân tích 8 văn tự khắc trên những chiếc cốc bạc.


Chữ viết trên theo hàng trên một tấm ván khắc Elamite.

Trước đó, một nhóm nghiên cứu khác đã giải mã các văn tự Elamite khác, và lần này các nhà khoa học đã dựa vào những kết quả nghiên cứu đó so sánh với hệ thống chữ viết trong tám văn tự Elamite chữ nêm (một dạng chữ viết đã được giải mã và từng được sử dụng ở vùng đất ngày nay là Trung Đông) cùng thời kỳ và có ghi tên, chức danh của cùng những vị lãnh chúa cũng như nhiều câu chữ giống nhau mô tả về những vị lãnh chúa này. Từ đó họ suy ra ý nghĩa của những ký hiệu khác.

Tuy vậy, vẫn còn khoảng 3.7% các ký tự Elamite vẫn chưa được giải mã.

Nhóm nghiên cứu đã dịch được một đoạn văn bản ghi rằng: "Puzur-Sušinak, vua của Awan, được thần Insušinak yêu quý." Đoạn văn còn viết rằng bất cứ ai nổi loạn chống lại Puzur-Sušinak sẽ bị tiêu diệt. Họ cho biết sẽ công bố thêm bản dịch của các đoạn văn khác vào thời điểm thích hợp trong tương lai.

Một số chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu này từ chối đưa ra nhận xét về các kết quả nghiên cứu nói trên. Tuy nhiên, ông Jacob Dahl, Giáo sư ngành chữ viết phương Đông cổ đại ở Trường đại học Oxford, Anh, cho biết ông không chắc liệu nhóm nghiên cứu đã giải mã thành công hay chưa.

Giáo sư Dahl nghiên cứu về một dạng ký tự khác gọi là chữ Elamite nguyên thủy, và ông không đồng ý với tuyên bố của nhóm nghiên cứu đưa ra trong bài báo nói rằng chữ Elamite nguyên thủy và chữ Elamite thẳng hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, ông cũng không chắc nhóm đã sử dụng những văn bản tìm thấy ở địa điểm khảo cổ Thời kỳ đồ đồng ở Konar Sandal (thuộc Iran) hay không, trong khi những văn bản này có những đặc điểm đáng ngờ, có thể bị giả mạo.

Ông nhấn mạnh rằng các hiện vật ở Konar Sandal không phải là một trong tám văn tự mới tìm thấy mà nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu, nhưng tất cả những nghiên cứu về giải mã chữ viết Elamite bị đặt câu hỏi nghi ngờ thì đều sử dụng các hiện vật ở Konar Sandal.

Những văn tự này từ đâu ra?

Các chuyên gia không biết chắc về nguồn gốc của tám văn tự Elamite này. Bảy trong số đó nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Houshang Mahboubian, cái thứ tám thuộc bộ sưu tập của doanh nhân người Na Uy Martin Schøyen. Ông Martin Schøyen cũng là một người sưu tầm đồ cổ, có đội ngũ nhân viên chuyên tìm kiếm cổ vật ở các châu lục khác và thường xuyên hợp tác với các học giả.

Văn tự thứ tám mà ông sở hữu cùng với hàng trăm hiện vật khác trong bộ sưu tập của ông đã bị cảnh sát Na Uy tạm giữ vào ngày 24/8/2021. Một báo cáo của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Oslo, Na Uy, công bố vào tháng 3/2022 cho biết ông Schøyen không cung cấp được tài liệu làm bằng chứng cho việc đưa hiện vật này rời khỏi Iran hợp pháp cũng như minh bạch tài chính về chi phí để sở hữu nó. Điều đó cho thấy hiện vật này có thể đã bị buôn lậu.

Vào tháng 7/2022, ông Schøyen tuyên bố phủ nhận báo cáo nói trên và cho rằng ít nhất một trong số các tác giả của báo cáo là người có thành kiến với ông và việc báo cáo gọi đồ vật mà ông sưu tầm là đồ buôn lậu là "hoàn toàn vô căn cứ". Ông khẳng định văn tự chữ Elamite của ông là hiện vật xuất xứ từ thành phố Susa cổ đại của Iran.

Luật sư của ông Schøyen nói rằng: "trong 40 năm hành nghề luật sư, tôi đã đọc vô vàn các bản báo cáo. Tôi chưa từng thấy một báo cáo nào kém đến mức ngạc nhiên như báo cáo này".

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết bảy văn tự thuộc bộ sưu tập của ông Mahboubian vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn về nguồn gốc.

Ông François Desset, một trong các tác giả của nghiên cứu, đồng thời là nhà khảo cổ học ở Trường đại học Tehran và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết ông Mahboubian khẳng định các hiện vật đó được tìm thấy trong các cuộc khai quật do cha ông tiến hành vào năm 1922 và 1924 ở hai thành phố Kam-Firouz và Beyza ở Iran và được đưa sang châu Âu trước năm 1970.

Theo một nghiên cứu khác năm 2018 của Iran được công bố trên Tạp chí của Viện Nghiên cứu Ba Tư ở Anh, phân tích luyện kim và hóa học đối với các hiện vật của ông Mahboubian không phát hiện bằng chứng giả mạo nào. Lớp gỉ sét cho thấy các đồ vật này đã bị chôn dưới đất một thời gian dài, chứng tỏ chúng là đồ thật.

Ngoài ra, quy trình sản xuất và tỷ lệ bạc trong các đồ vật này cũng cho biết tính xác thực của chúng. Báo cáo kỹ thuật cho biết chúng là đồ cổ chứ không phải đồ làm giả tinh vi.

Vào những năm 1980, ông Mahboubian và một phần bộ sưu tập của ông đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông. Năm 1987, ông bị kết tội thuê kẻ trộm lấy cắp một số đồ cổ trong bộ sưu tập của chính mình để lấy tiền bảo hiểm. Kết tội này đã bị phản bác vào năm 1989, và các cáo buộc trước đó trở thành đối tượng bị điều tra. Phiên tòa phúc thẩm đã không diễn ra, các khoản phí, phạt đều bị bãi bỏ.

Khi được hỏi về các kết quả nghiên cứu nói trên, đại diện của ông Mahboubian không bình luận gì.

Cập nhật: 10/09/2022 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video