Các nhà khoa học giải thích tại sao chúng ta bị nấc

Các nhà khoa học từ Đại học College London đã tiết lộ lý do tại sao chúng ta bị nấc và tại sao thói quen gây phiền nhiễu này lại rất quan trọng - đặc biệt là đối với trẻ em.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nấc cụt rất quan trọng cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, kích hoạt hoạt động điện trong não giúp trẻ điều chỉnh nhịp thở.


Nấc cụt đặc biệt quan trọng với trẻ em.

Tiến sĩ Kimberley Whitehead, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Những lý do tại sao chúng ta nấc không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể có một lý do phát triển dẫn đến thai nhi và trẻ sơ sinh nấc thường xuyên".

Trẻ sinh non tháng - những em bé được sinh ra sớm hơn ba tuần trước ngày dự sinh - đặc biệt dễ bị nấc, chúng dành khoảng 1% thời gian - khoảng 15 phút mỗi ngày để nấc. Nấc cụt cũng có thể được quan sát trong bụng mẹ - đôi khi sớm nhất là chín tuần sau khi mang thai.

Nghiên cứu được công bố trên báo Sinh lý học thần kinh lâm sàng, dựa trên kết quả quét não của 13 trẻ sinh non và đủ tháng, từ 30 đến 42 tuần tuổi thai.

Hoạt động của não được ghi lại nhờ các điện cực được gắn vào da đầu, trong khi các cử động nấc được theo dõi bằng các cảm biến trên thân của em bé.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, các cơn co thắt cơ hoành từ một tiếng nấc tương ứng với một phản ứng rõ rệt ở vỏ não dưới dạng ba sóng não. Họ tin rằng sóng não thứ ba có thể liên kết âm thanh "hic" của tiếng nấc với cảm giác co thắt cơ ở cơ hoành.

Tiến sĩ Lorenzo Fabrizi, một nghiên cứu viên cao cấp tại khoa Thần kinh, Sinh lý học và Dược học của Đại học College London, và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Hoạt động do nấc cụt có thể giúp não của bé học cách theo dõi các cơ hô hấp để hơi thở có thể tự được kiểm soát bằng cách di chuyển cơ hoành lên xuống".

"Khi chúng ta được sinh ra, các mạch xử lý cảm giác cơ thể chưa được phát triển đầy đủ, vì vậy việc thiết lập các mạng như vậy là một cột mốc phát triển quan trọng đối với trẻ sơ sinh".

Mặc dù nguyên nhân gây ra nấc ở người lớn vẫn chưa được biết, một số yếu tố như căng thẳng, hưng phấn hoặc ăn uống có thể kích hoạt sự co cơ. Bà Whitehead nói: "Phát hiện của chúng tôi đã khiến chúng tôi tự hỏi liệu những tiếng nấc ở người lớn, dường như là phiền toái, trên thực tế có thể là do phản xạ tiền đình còn sót lại từ lúc còn nhỏ khi nó có chức năng quan trọng".

Cơ chế nấc cụt

Cơ hoành của bạn, cơ lớn nằm ngay bên dưới phổi và phía trên dạ dày, giúp bạn thở. Nó di chuyển lên trên để đẩy không khí ra khỏi phổi và di chuyển xuống dưới để hút không khí vào. Dẫu rằng chúng ta không cần phải nghĩ đến nó mỗi lần – dù chúng ta có thể điều khiển nó nếu muốn: hít vào, thở ra – bộ não của chúng ta vẫn ra tín hiệu cho cơ hoành thực hiện những vận động này.

Đôi khi, não của chúng ta ra tín hiệu cho cơ hoành di chuyển xuống mạnh hơn bình thường. Sự co thắt cơ bắp đột ngột, không tự nguyện này làm không khí bị hút vào phía sau cổ họng. Sau đó, khu vực cổ họng gần dây thanh âm nhanh đóng lại, do sự thay đổi áp lực này mà tạo ra một tiếng “hic”.


Cơ chế của nâc cụt là một loại phản xạ không tự nguyện.

Tại sao chúng ta lại nấc?

Chúng ta đã hiểu về cơ chế của nấc cụt – đó là một loại phản xạ không tự nguyện. Nhưng tại sao lúc đầu bộ não lại gửi tín hiệu để tạo ra phản xạ này? Các nhà khoa học đã cố gắng xác định một lý do rõ ràng, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được điều đó.

Mặc dù không biết chính xác tại sao bộ não lại ra tín hiệu làm chúng ta nấc cụt, nhưng chúng ta cũng biết khá nhiều thứ kích hoạt phản xạ này. Có nghiên cứu đã thấy nấc cụt kích hoạt do tổn thương (ví dụ như chấn thương đầu), các khối u hoặc bướu cổ, nhiễm trùng (bao gồm cả viêm màng não và viêm não), trướng bụng, và các vấn đề với hệ thần kinh trung ương như bệnh đa xơ cứng.

Do các kích thích như ợ nóng, thức ăn cay, viêm dạ dày, trào ngược và loét dạ dày cũng có liên quan với tiếng nấc. Một người thậm chí còn bị nấc cụt do một sợi tóc cọ vào màng nhĩ của họ, màng rung lên để phản ứng với sóng âm và cho chúng ta nghe thấy.

Chúng ta cũng biết một vài hành vi có thể dẫn đến nấc cụt: hút thuốc lá, cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, trải qua một số cảm xúc tăng cao như hưng phấn hoặc căng thẳng, hoặc bụng quá đầy (thức ăn, rượu, hoặc thậm chí là không khí)

Nấc cụt không ngừng có thể gây bất tiện nghiêm trọng, đặc biệt là nếu nó ảnh hưởng đến khả năng ăn, ngủ hoặc giao tiếp của bạn. Nấc cụt kéo dài có thể là một vấn đề về sức khỏe, cho dù đó là viêm tai, suy thận, viêm thanh quản hoặc thoát vị.

Trong trường hợp của Christopher Sands và 10 triệu lần nấc cụt mình, ông đã được phát hiện một khối u não chèn vào dây thần kinh cơ hoành – đó là dây thần kinh có nhiệm vụ báo hiệu phản xạ nấc. Khi ông được phẫu thuật cắt bỏ khối u này, các cơn nấc của ông cũng dừng lại.

Cập nhật: 05/05/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video