Các nhà khoa học Trung Quốc khám phá bí mật di truyền của gấu trúc nâu

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát hiện ra đột biến gene đằng sau loài gấu trúc màu nâu - trắng, một biến thể quý hiếm của loài động vật được coi là bảo vật quốc gia của nước này.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có bảy con gấu trúc nâu từng được xác định ở Trung Quốc. Con gấu trúc đầu tiên là gấu trúc cái được đặt tên là Dandan, được tìm thấy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1985.


Qizai (Thất Tử) được tìm thấy trong tự nhiên khi còn nhỏ, là chú gấu trúc nâu duy nhất trên thế giới sống trong điều kiện nuôi nhốt. (Ảnh: Weibo/CCTV).

Kể từ đó, các nhà khoa học đã luôn suy đoán tại sao lại có sự biến đổi màu sắc như vậy, vì thông thường gấu trúc đều chỉ có hai màu trắng và đen. Một số người tin rằng đột biến di truyền có thể làm giảm sắc tố lông, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh lý thuyết này.

Ngày 4/3 vừa qua, một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm động vật học của Viện khoa học Trung Quốc (CAS) chia sẻ đã xác định được một đột biến gene lặn di truyền và đó có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm sắc tố.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích lông, kiểu di truyền của gia đình Dandan và một con gấu trúc đực 14 tuổi được tìm thấy trong tự nhiên khi còn nhỏ tên là Qizai và hiện là gấu trúc nâu duy nhất sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Họ đã so sánh bộ gene của chúng với bộ gene của khoảng 200 con gấu trúc đen trắng và phát hiện ra rằng cả Qizai và Dandan đều có hai bản sao đột biến gene Bace2, được di truyền từ bố và mẹ, và đây rất có thể là cơ sở di truyền cho ra biến thể màu nâu và trắng ở gấu trúc.

Các tác giả của nghiên cứu viết rằng công trình này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao những con gấu trúc này tồn tại, mà còn là tiền đề để hướng dẫn nhân giống khoa học những con gấu trúc nâu quý hiếm.

Hầu hết gấu trúc ở Trung Quốc đều đến từ tỉnh Tứ Xuyên. Và trong một thời gian dài, người ta tin rằng chúng chỉ có bộ lông với hai màu đen trắng tách biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả gấu trúc nâu được tìm thấy lại đều ở dãy núi Tần Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây.


Theo các nhà khoa học, những con gấu trúc màu nâu như Qizai có hộp sọ nhỏ hơn so với những con gấu trúc đen trắng. (Ảnh: Trung tâm động vật học của Viện khoa học Trung Quốc)

Hu Yibo, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà di truyền học tại Viện Động vật học, nói rằng gấu trúc Tần Lĩnh có thể đã bị tách ra khỏi gấu trúc Tứ Xuyên khoảng 300.000 năm trước. Ngoài ra, những con gấu trúc cực kỳ hiếm này cũng có hộp sọ nhỏ hơn so với những con gấu trúc đen trắng.

Cha mẹ và đàn con của Qizai đều có màu đen trắng, sở hữu một bản sao của gene đột biến và một bản sao của gene không bị đột biến. Dựa trên kiểu di truyền này, các nhà khoa học kết luận rằng gấu trúc sẽ thừa hưởng bộ lông màu nâu - trắng nếu chúng nhận được bản sao gene đột biến từ cả bố và mẹ.

Sau khi thử nghiệm gấu trúc từ cả Tứ Xuyên và Thiểm Tây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra tất cả gấu trúc đen trắng có một bản sao gene đột biến đều được tìm thấy ở khu vực núi Tần Lĩnh, Thiểm Tây, củng cố thêm nhận định ​​​rằng gấu trúc nâu chỉ xuất hiện ở khu vực này.

Cả Qizai và Dandan (đã qua đời năm 2000) đều có biểu hiện sinh trưởng và sinh sản bình thường. Tuy nhiên, đột biến Bace2 có liên quan đến bệnh Alzheimer ở ​​người, vì vậy có khả năng đột biến này còn có những tác động khác chưa được biết đến.

Cập nhật: 11/03/2024 Báo Tin tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video