Các "vùng nước chết" khiến đại dương "mắc nghẹn" giờ cũng xuất hiện ngay gần con người

"Vùng chết" - Dead Zone - là tên gọi dành cho các vùng nước không đủ oxy để nuôi dưỡng sự sống. Và sự thật là ngày càng nhiều vùng nước như thế đang xuất hiện.

Một con cá làm sao để thở được dưới nước? Quá dễ: chúng dùng mang tách lấy oxy từ trong nước, giống như con người hít thở trên cạn vậy.

Có điều, trên cạn có những vùng đất cực kỳ ít dưỡng khí (chẳng hạn như đỉnh Everest), và thật đau lòng là biển cả cũng đang xuất hiện những khu vực như vậy. Chúng được gọi là "dead zone" - hay vùng chết - là những vùng nước thiếu oxy đến mức không sinh vật nào sống nổi. Theo các nhà khoa học, đây đang trở thành một xu hướng cực kỳ nguy hiểm với các đại dương trên thế giới.


"Dead zone" - hay vùng chết - là những vùng nước thiếu oxy đến mức không sinh vật nào sống nổi.

Được biết, các dead zone đã được phát hiện từ lâu, nhưng kể từ năm 1950 đến nay đã tăng thêm gấp 10 lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử.

Và theo một nghiên cứu mới đây thì dead zone không chỉ xảy ra ở các đại dương nữa, mà còn ở các vùng nước ngọt gần con người.

"Chúng tôi đã thự sự ngạc nhiên khi thấy các vùng chết xuất hiện ở một số hồ nước trong khu dân cư, chứ không chỉ ở các con sông và vùng duyên hải" - trích lời Joanna Blaszczak, nhà sinh thái học từ ĐH Duke (Hoa Kỳ).


Các dòng nước gần khu dân cư cũng đã có dead zone.

Trong nghiên cứu mới của mình, Blaszczak và các công sự đã theo dõi nồng độ oxy tại 6 nguồn nước ngọt tại các khu dân cư thuộc Bắc Carolina trong vòng 18 tháng. Họ đánh giá cả mật độ ánh sáng, thành phần hóa học của nước, và tốc độ dòng chảy.

Kết quả cho thấy tác động của con người đến môi trường tự nhiên đã gây ảnh hưởng đến cả dòng chảy của nước. Quá trình xói mòn đã khiến nhiều vùng nước chảy chậm lại, gây ra ứ đọng ngày càng nhiều.

"Các dòng nước tự nhiên trong khu vực phát triển phải chịu rất nhiều tác động, như nước mưa do bão cuốn xuống từ những con đường và ống thoát nước. Chúng chảy thằng vào dòng nước, thay vì ngấm dần vào đất" - Blaszczak cho biết.

"Dần dần nó sẽ gây ra hiện tượng xói mòn, làm thay đổi hình dạng các kênh nước, khiến nhiều khu vực nước bị ứ đọng chứ không tiếp tục hòa vào dòng chảy".

Khi nước đọng lại, toàn bộ dòng nước sẽ giống như một tổ hợp các vùng nước tĩnh, và điều này dẫn đến chuyện các chất hữu cơ trong nước bị dồn ứ. Chúng bao gồm cả nitrogen từ ống nước thải, phân bón và chất thải vật nuôi. Tất cả làm nguồn nước bị ô nhiễm, và nồng độ oxy trong nước cũng tan biến.

Trong 6 nguồn nước được xét nghiệm, nồng độ oxy của 3 nguồn nước ở mức thấp nhất trong lịch sử. Có những nguồn đã xuất hiện cá chết. Nhưng điều quan trọng là các vùng nước chết này gây ảnh hưởng đến cả các vi sinh vật: nhiều loài vi khuẩn cũng khó sống trong điều kiện như vậy.


Sự bùng nổ của tảo cũng khiến mọi chuyện tệ hơn.

"Sự bùng nổ của tảo cũng khiến mọi chuyện tệ hơn. Tất cả vẽ nên một bức tranh thực sự ngột ngạt dành cho các sinh vật sống đang muốn tồn tại ở những khu vực này".

Hiện tại vẫn là quá sớm để nói 6 mẫu nước này đại diện cho toàn bộ hệ thống sông ngòi tại Mỹ. Tuy nhiên theo Blaszczak, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi lẽ các dòng nước này không phải đặc biệt. Các nghiên cứu trước đó đã từng chỉ ra nhiều vùng nước có mức oxy thấp tại Illinois và Kansas.

Nói cách khác, nếu như không đề phòng và sớm có giải pháp về tác động của chúng ta đến môi trường, rất có thể "dead zone" sẽ nhanh chóng xuất hiện trong các khu dân cư, giống như ngoài đại dương vậy.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Limnology & Oceanography.

Cập nhật: 15/12/2018 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video