Cách cắt đôi du thuyền để nối dài thêm

Cắt những du thuyền khổng lồ làm đôi, sau đó chèn thêm một đoạn mới để tăng chiều dài, là cách tăng kích thước tàu đang trở nên ngày càng phổ biến.


Mô phỏng quá trình tăng chiều dài tàu. (Video: Windstar Cruises).

Những con tàu đang ngày càng lớn hơn, như tàu Icon of the Seas của công ty Royal Caribbean Group hạ thủy hồi tháng 1 năm nay. Một cách dễ dàng và rẻ hơn đóng mới để nhà vận hành tăng sức chở của tàu và lợi nhuận đi kèm là làm tàu sẵn có lớn hơn, theo New Atlas. Với chi phí trung bình khoảng 80 triệu USD và chỉ hai tháng tạm ngừng hoạt động, nhà vận hành có thể xẻ đôi một con tàu sẵn có từ giữa thân, thêm đoạn mới được thiết kế để khớp hoàn hảo với đầu và đuôi tàu, hàn chúng lại và tăng thêm số lượng cabin cao cấp để thu phí trong vòng vài năm.

Quá trình mang tên phóng to (jumboization) không phải ý tưởng mới hay dành riêng cho du thuyền. Trên thực tế, thuật ngữ này ra đời từ sau Thế chiến II, khi một số nhà đóng tàu muốn tăng chiều dài tàu chiến. Ngày nay, nhiều xưởng đóng tàu chuyên thêm đoạn thân dài 24 - 40 m vào du thuyền sẵn có với công việc xử lý chính diễn ra trong vài tuần. Đầu tiên, các kỹ sư thiết kế đoạn thân mới. Mỗi chi tiết trong số hàng nghìn đường ống, dây điện, dây cáp và ống thông gió được thiết kế phù hợp với đoạn thân mới, sẵn sàng ghép vừa khít ở cả hai đầu khi thực hiện mối nối. Theo cách này, tàu có thể duy trì những chức năng có từ trước. Sau đó, xưởng đóng tàu chế tạo đoạn thân mới. Đôi khi, chúng được hạ thủy và kéo tới ụ khô để chờ ghép thân.

Tiếp theo, tàu được chuyển tới và đặt chính xác bên trên một loạt tấm trượt trên đường ray kim loại đóng chốt trên nền ụ khô. Mỗi tấm trượt nhỏ này là một kích thủy lực có thể nâng 1.000 tấn và áp dụng lực ngang để di chuyển dọc đường ray. Hoạt động kéo dài tàu có thể bao gồm tới 50 tấm trượt.

Với tàu đặt trên các tấm trượt, ụ trống và tàu nằm trên hệ thống đỡ di động mới. Sau đó, đội công nhân bắt đầu cắt đôi tàu. Tia laser chỉ dẫn được sử dụng để đảm bảo độ chính xác tới từng milimet. Trình tự cắt cũng được lên kế hoạch cẩn thận bởi trọng lượng khổng lồ của tàu và áp lực kết cấu.


Từ năm 1977, 21 du thuyền đã được tăng chiều dài bằng cách này.

Việc cắt thân tàu được thực hiện bởi máy cắt tự động xử lý bề mặt phẳng như thành tàu và sàn và công nhân có tay nghề xử lý bề mặt cong hoặc hình dáng phức tạp. Cả hai đều dùng đèn hàn acetylene phổ biến để cắt xuyên qua kim loại. Khi cắt xong thân tàu, tấm trượt bắt đầu điều phối quá trình tách hai nửa thân ra đủ xa để chuyển đoạn thân mới vào giữa. Toàn bộ tàu được cắt và tách ra trong khoảng hai ngày. Sau khi hoàn thành công đoạn đó, rìa của đoạn đầu, thân mới và đuôi được ghép nối hoàn hảo nhờ chức năng nâng và dịch chuyển của tấm trượt. Đó là lúc hoạt động hàn bắt đầu.

Công nhân sử dụng kết hợp hàn điện và hàn que. Đây là lúc cắt chính xác thực sự quan trọng bởi khoảng hở tối đa có thể hàn kín giữa hai bề mặt chỉ cỡ vài milimet, do đó cắt càng sát càng tốt. Đội công nhân phải đảm bảo không bị lỗi để tránh nước ngấm vào thân và toàn bộ cấu trúc có thể chống đỡ con tàu lớn khi biển động. Tiếp theo, họ sẽ nối lại tất cả dây cáp, đường ống, dây điện và nhiều hệ thống khác. Một đội phụ trách sơn lại tàu để che vết hàn và chỗ lồi lõm ở ngoại thất.

Xưởng đóng tàu chịu trách nhiệm về độ kiên cố của kết cấu và khả năng đi biển, nhưng nhà vận hành cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng mọi hệ thống điện, máy móc và thủy lực trên tàu để đảm bảo mọi thứ được nối lại hoàn chỉnh. Họ cũng cần chạy thử nghiệm trên biển nhằm chứng minh sức mạnh và tính dễ lái của con tàu mới dài hơn.

Toàn bộ quá trình từ khi tàu đến ụ khô cho tới khi tàu được duyệt hoạt động trở lại chỉ kéo dài khoảng 9 tuần. Từ năm 1977, 21 du thuyền đã được tăng chiều dài bằng cách này.

Cập nhật: 12/09/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video