Cách chăm trẻ sinh non

Nếu con bạn sinh thiếu tháng, không nên tắm mỗi ngày bởi da bé dễ bị khô. Mỗi tuần tắm 1-2 lần là đủ, miễn là giữ sạch vùng quấn tã. Lau mặt trẻ mỗi ngày với nước ấm, chú ý vùng da dưới cằm, nơi dễ bị đọng sữa.

(Ảnh: SK & ĐS, VNE)

Trẻ sinh non là những trẻ chào đời sớm trước 37 tuần tính từ ngày kinh chót của bà mẹ, thường cân nặng dưới 2.500 g. Trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh và gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phát triển. Do đó, các bé cần có sự chăm sóc đặc biệt. Nếu được chăm sóc tốt và đúng cách, trẻ sẽ đuổi kịp những bé cân nặng bình thường.

Những trẻ sinh non gần 32 tuần có các biểu hiện như: Không thể bú bằng đường miệng, không thể thở đều, không có thân nhiệt ổn định.
Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt vì lượng mỡ ít và hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa phát triển hoàn chỉnh. Trẻ dễ bị hạ đường huyết vì năng lượng dự trữ trong cơ thể rất ít. Những em bé này dễ gặp khó khăn về nuôi dưỡng vì cơ thể nhỏ, thiếu năng lượng, dạ dày nhỏ và không đủ sức để bú. Hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn.
Trẻ càng non thì những nguy cơ này càng cao.

Về cách chăm sóc, cần chú ý giữ ấm cho bé. Nếu sờ bàn tay, bàn chân bé thấy lạnh, bạn nên mang bao tay, tất cho con. Khi bé ngủ, nên đắp chăn.

Hầu hết trẻ sinh non được cho ăn mỗi 2 giờ 30 phút đến 4 giờ. Trẻ sinh non thường không khóc; khi đói trẻ thường cử động nhiều, không nằm yên. Sau 4 đến 5 giờ bú, nếu trẻ vẫn còn ngủ, bạn nên đánh thức con dậy cho bú.

Khi xuất viện, mỗi trẻ sinh non có thể bú từ 40 đến 60 ml sữa mỗi 3-4 giờ. Nếu bé còn đói, bạn có thể tăng lượng sữa. Trẻ bú mẹ thường bú lâu hơn và mau đói hơn bú bình. Cách tốt nhất để biết bé bú đủ hay không là quan sát xem bé tiểu bao nhiêu lần một ngày (6-8 lần là đủ).

Sau đây là những câu hỏi thường gặp ở bà mẹ có con sinh non:

Tại sao bé khóc?

Khóc là một cách thông tin. Những nguyên nhân khiến trẻ khóc thường gặp là: 

- Đói, đặc biệt nếu trẻ bú xong đã 2 giờ.

- Khó chịu do tã ướt, bẩn, quần áo quấn quá chặt, quá lạnh hoặc quá nóng.

- Cần được thay đổi tư thế.

- Nghẹt mũi.

Làm sao biết trẻ bị bệnh?

Trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Những dấu hiệu trẻ bệnh là: Thay đổi kiểu thở, thở bất thường; khóc nhiều, kích thích; bú ít; khó đánh thức; ho; trớ sữa hầu hết cữ bú; tiểu ít; da xanh tái; sốt.

Khi bú, bé sinh non có thể không thở hoặc không nuốt nhịp nhàng. Chú ý xem bé có dấu hiệu xanh tái quanh miệng hay không; nếu có thì phải ngưng cho bú, cho bé ngồi vào lòng bạn, vỗ lưng. Nếu không đỡ, cần đưa bé đến cơ sở y tế.

Có nên cho khách vào thăm bé không?

Sau sinh, có nhiều người muốn đến thăm, nhưng với bé sinh non thì cần hạn chế cho đến khi bé lớn hơn. Cần lưu ý rằng, những người đang bị cảm cúm không nên vào thăm ngay, nên đợi khi khỏi. Trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích thích, nên hạn chế tiếp xúc hoặc sờ vào trẻ.

Khách thăm không nên hút thuốc trong phòng trẻ.

Khi nào có thể mang bé đi tiêm phòng?

Trẻ sinh non thường được tiêm phòng ở cùng thời điểm sau sinh như trẻ đủ tháng.

Có nên đặt bé nằm sấp không?

Có thể đặt bé nằm sấp khi điều trị trong bệnh viện, nơi có phương tiện theo dõi. Nhưng tại nhà, không nên đặt bé nằm sấp trong lúc ngủ vì sẽ có nguy cơ ngưng thở trong khi ngủ.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video