Khi trời trở lạnh, người bệnh khớp thường bị đau nhức. Tuy nhiên, bạn có thể đẩy lùi cơn đau khớp chuyển mùa nếu chăm sóc cơ thể đúng cách.
Kết quả nghiên cứu do Đại học Manchester (Vương quốc Anh) thực hiện năm 2019 trên 13.000 người dân Anh cho thấy bệnh nhân viêm khớp cảm nhận cơn đau tăng lên 20% vào những ngày ẩm ướt, áp suất khí quyển thấp và gió nhiều. Trong khi đó, nghiên cứu kéo dài 5 năm (2015-2019) tại An Khánh (Trung Quốc) chỉ ra thời tiết lạnh khiến người bệnh viêm khớp dạng thấp tăng nguy cơ nhập viện.
Khớp gối, cột sống, khớp háng, khớp tay, chân… dễ đau nhức khi trời trở lạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Tấn Vũ - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM, tình trạng đau nhức xương khớp mùa lạnh không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà có thể xảy ra ở người trẻ, khỏe mạnh. Nguyên nhân là thời tiết lạnh làm hệ thống mạch máu xung quanh khớp co lại, giảm lưu lượng máu. Bên cạnh đó, nhiệt độ xuống thấp cộng với áp suất khí quyển giảm, độ ẩm tăng khiến quá trình lưu chuyển, tính chất vật lý và chức năng nuôi dưỡng sụn khớp của dịch khớp thay đổi.
Thời tiết mùa đông cũng là tác nhân làm bùng phát các bệnh nền tiềm ẩn như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp và gout. Vì vậy, chuyên gia Vũ khuyến cáo đau khớp khi trời lạnh thường có thể là biểu hiện của sự chuyển hóa trong khớp hoặc là dấu hiệu cảnh báo bệnh khớp mạn tính.
Để giảm đau nhức xương khớp, đảm bảo chức năng vận động và phòng tránh chấn thương trong mùa đông, chuyên gia khuyên người bệnh nên thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.
- Giữ ấm cơ thể: Dù ở nhà hay ra ngoài, mọi người cần mặc quần áo dày, quàng khăn, đi tất để giữ ấm. Có thể dùng dầu nóng, gel bôi hoặc chế phẩm cao dán để làm ấm khớp, từ đó tăng lưu lượng máu, giúp giảm đau. Ngoài ra, việc chườm ấm, ngâm chân và tắm nước ấm rất hữu ích trong việc xoa dịu cơn đau khớp tại nhà.
- Massage: Xoa bóp nhẹ nhàng các khớp giúp làm nóng, cải thiện tuần hoàn máu, giảm mức độ đau nhức. Nếu đau nhức đi kèm hiện tượng cứng khớp mỗi sáng, bạn có thể xoa bóp kết hợp co duỗi khoảng 5-10 phút để làm mềm khớp, thư giãn bó cơ, giảm căng cứng, phòng tránh té ngã trong mùa mưa lạnh, nhất là người lớn tuổi.
- Duy trì hoạt động thể chất: Việc duy trì thói quen thể dục, thể thao trong mùa đông giúp cải thiện độ dẻo dai và trơn tru của khớp, giúp cơ thể nhanh thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Mọi người có thể đi bộ, chạy bộ, đạp xe ngoài trời hoặc tập luyện trong nhà bằng máy chạy, đạp xe hay luyện yoga, thái cực quyền, aerobic, khiêu vũ…
Việc duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày giúp khớp xương cử động trơn tru.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, chú trọng vào thực phẩm chứa omega-3, vitamin K, vitamin C như cá hồi, các loại hạt, rau xanh đậm, cam, ớt đỏ, cà chua… hỗ trợ giảm viêm, đau xương khớp và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bạn nên tránh ăn thực phẩm lạnh, đồ chế biến sẵn, nhiều đường muối…
Vào mùa đông, nhiều người có xu hướng lười uống nước khiến hệ miễn dịch suy giảm, tăng nặng cơn đau khớp. Do đó, khi trời lạnh, người bệnh khớp cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết (2-2,5 lít nước/ngày), ưu tiên uống nước ấm.
- Sử dụng sản phẩm giảm đau đúng cách: Khi đau khớp, người bệnh có thể sử dụng thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để giảm đau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Nếu lạm dụng, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm dạ dày, tổn thương gan thận, tăng huyết áp, giảm mật độ xương…
Thế giới đã tìm ra cách chữa bệnh sốt vàng da như thế nào?
Cách chọn đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai để hạn chế nguy hại
Chuyện hi hữu: Cô gái mang thai 9 tháng nhưng vẫn có kinh nguyệt đều