Cách phân biệt và chọn nấm linh chi tốt

Các tinh chất quý từ nấm linh chi có công dụng phòng trị bệnh, nhưng không phải nấm nào cũng có giá trị dược liệu, có loại chỉ còn tính chất gỗ, thậm chí gây độc, cần được phân biệt cẩn thận.

Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss ex.Fr) Karst. Ở Trung Quốc và Việt Nam còn gọi là: xích chi, đan chi, tiên thảo, nấm lim, thụy thảo.

Theo sách Nấm Lớn ở Việt Nam của giáo sư Trịnh Tam Kiệt, chi Ganoderma trên thế giới có hơn 50 loài, riêng ở Trung Quốc có 48 loài, Việt Nam có khoảng 37 loài. Linh chi phân bố ở các rừng có nhiều loại gỗ cây lá rộng, nhất là rừng gỗ Lim nên còn gọi là nấm Lim.


Thạc sĩ Cồ Thị Thùy Vân tại phòng nghiên cứu giống ở trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Từ lâu, linh chi được ghi nhận như một loại dược liệu quý, sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ. Sách “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân đời nhà Minh năm 1590 ghi nhận 6 loại linh chi: “xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tím”; “ăn nhiều lần cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên”. Ở Việt Nam, từ hơn 200 năm trước, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) đã sử dụng linh chi để chữa bệnh cũng như tăng cường sức khỏe.

Theo thạc sĩ Cồ Thị Thùy Vân, chuyên gia nấm ăn - nấm dược liệu thuộc trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (TTCNSHTV) - Viện Di truyền Nông nghiệp, hiện nay ở nước ta việc nuôi trồng nấm linh chi phát triển rất mạnh. Các nhà khoa học đã sưu tập và phân lập được giống nấm có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam.

Năm 2000, từ nguồn gene nấm linh chi tự nhiên tại rừng Phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc 3 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Hòa Bình thuộc huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh, chuyên gia Nguyễn Thị Sơn và nhóm tác giả của TTCNSHTV đã nghiên cứu chọn tạo thành công giống nấm linh chi ký hiệu DT, được công nhận là giống quốc gia năm 2005.

Theo chuyên gia Vân, Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng nấm linh chi DT bằng cách cấy giống trên giá thể mùn cưa, đưa vào các nhà ươm để chăm sóc và thu hái. Thời gian từ lúc nấm lên đến lúc thu hoạch khoảng 70 ngày, cho năng suất đến 30kg nấm khô từ mỗi tấn nguyên liệu.


Các giống linh chi ở trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. (Ảnh: NVCC)

Linh chi có tác dụng điều hòa huyết áp, tim mạch; tăng cường miễn dịch; tăng khả năng cung cấp oxy cho máu; an thần, trị bệnh thần kinh suy nhược, giảm ho, chữa viêm thận, hen; bài tiết các chất độc trong cơ thể, đẹp da, loại bỏ các sắc tố lạ trên da, đồng thời giúp thúc đẩy quá trình hình thành Protein, DNA, RNA, kéo dài tuổi thọ.

Để phòng ngừa các loại bệnh, ta có thể đun nước linh chi với định lượng 10–15g Linh Chi/người/ngày; hoặc ngâm rượu với định lượng 200g Linh Chi/3 lít rượu 45 độ, thời gian ngâm ít nhất 20 ngày, càng ngâm lâu rượu càng trong ngon. Ngoài ra, để chữa bệnh thì người bệnh nên chú ý tới liều lượng và cách phối hợp các vị thuốc khác.

Không phải linh chi nào cũng phòng trị bệnh

Ở Việt Nam hoặc Trung Quốc, thỉnh thoảng, người dân hái hoặc sưu tập được những cây linh chi có kích thước lớn, đường kính hơn 1m trong rừng tự nhiên, thường gọi là linh chi “nghìn năm”.

"Có rất nhiều chủng linh chi khác nhau, nhưng không phải chủng nào cũng có tính dược liệu. Linh chi chỉ có tính dược liệu khi được thu hái đúng độ tuổi, chưa phát tán bào tử hoặc đang trong giai đoạn phát tán bào tử", thạc sĩ Vân cho biết.

"Những loại linh chi nghìn năm trải qua nhiều chu kỳ phát tán bào tử, mỗi một chu kỳ đó khi kết thúc sẽ chuyển hóa thành xenlulo, tính dược liệu rất ít. Có những chủng linh chi là loài phá gỗ, không có tính dược liệu, thậm chí nếu mọc trên thân cây có độc thì bản thân cây linh chi sẽ hấp thu chất độc đó, khi dùng có thể bị ngộ độc.Vì thế, người dân không nên tùy tiện sử dụng những sản phẩm linh chi chưa qua kiểm nghiệm".

Đời sống người Việt Nam ngày càng cao. Người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các sản phẩm linh chi của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng "không ai rõ khi về đến Việt Nam, các sản phẩm này đã bị tách chiết dược liệu hay chưa. Nếu muốn biết, cần phải đem sản phẩm đi kiểm định", chuyên gia Vân khuyến cáo.


Một cây linh chi phá gỗ, không có giá trị dược liệu được thạc sĩ Cồ Thị Thùy Vân tìm thấy trong chuyến đi rừng Quảng Bạ - Hà Giang năm 2012. (Ảnh: NVCC)

Những chủng giống linh chi của Việt Nam bán trên thị trường đều phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận giống và Chứng nhận quy trình công nghệ. Trước khi được công nhận, linh chi phải được nuôi trồng khảo kiểm nghiệm. Mẫu linh chi sẽ được kiểm định tại Viện dược liệu trung ương, cũng như đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người ở các bệnh viện y học cổ truyền.

Kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm linh chi DT của Việt Nam có giá trị hoạt dược tính tương đương sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, người tiêu dùng nên mua sản phẩm linh chi của Việt Nam, giống linh chi đã được thuần hóa và chứng minh tính dược liệu, công nhận là sản phẩm giống quốc gia để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video