Cách sử dụng xe đạp điện an toàn

Xe đạp điện là phương tiện giao thông khá phổ biến, nhất là với học sinh. Sử dụng xe đạp điện thế nào cho an toàn, tránh rủi ro cháy nổ là điều cần biết.

Bình ắc-quy, bộ đổi điện có vấn đề

Một số sự cố cháy, nổ xe đạp điện và xe máy điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian qua khiến không ít người lo lắng. Phần lớn người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chiếc xe đạp điện có thể phát nổ.

Còn xét về yếu tố kỹ thuật, khả năng xe đạp điện bị cháy có thể là do bị chập ắc-quy và hệ thống bộ đổi điện của xe. Xe đang lưu thông, nhiệt độ của ắc-quy sẽ cao. Trong ắc-quy có hai dây dẫn. Khi hai dây này bị hở, chạm vào nhau sẽ làm cho ắc-quy bị chập, cháy. Tiếng nổ của ắc-quy sẽ chỉ như tiếng xẹt một cái chứ không tạo ra tiếng nổ to như bom, mìn.


Phần lớn người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh.

Ngoài ra, hệ thống bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại, cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra cháy nổ ở xe đạp điện. Những mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện làm cho hệ thống đó bị chập và dẫn đến cháy.

Theo TS Trần Văn Thịnh, ngay cả các khả năng cháy do chập điện ắc-quy thì cũng có rất nhiều khả năng khác nhau. Khi ắc-quy bị chập, chỉ trong vài phút là sẽ hết điện và không thể lưu thông. Nhưng xe đang đi mà bị chập thì khả năng nổ là hiển nhiên. Những chiếc xe kém chất lượng, giá thành rẻ, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên ẩn chứa nguy cơ này cao hơn.

TS Trần Văn Thịnh cho biết, quy định đối với các loại ắc-quy xe máy, xe đạp đều không được phép để điện áp cao có thể làm tử vong người sử dụng. Cũng giống như trong thiết kế các thang máy, ở các bộ phận người sử dụng có thể tiếp xúc, điện áp không bao giờ được vượt quá 36V. Thông thường, điện áp trong các loại ắc-quy này không gây chết người.

Xe đạp cũng cần bảo dưỡng

Theo TS Trần Văn Thịnh, hiện trên thị trường xe đạp điện, chủng loại, mẫu mã, giá cả rất phong phú. Người tiêu dùng đa phần mua theo khả năng tài chính của mình chứ ít nghĩ đến độ an toàn của xe. Xe đạp điện có 2 loại động cơ chính, một loại chạy bằng pin, còn một loại chạy bằng ắc-quy.

Các phương tiện tích trữ năng lượng này đều được người sử dụng cho rằng khá hiệu quả và tiện lợi. Nhưng nguồn gốc của chúng lại được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, còn chất lượng của các bình ắc-quy hay pin như thế nào vẫn luôn là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng. Xe đạp điện được sản xuất đúng chuẩn an toàn với người sử dụng.

Nếu được bảo dưỡng định kỳ thì khả năng xảy ra cháy nổ là rất thấp. Đáng lưu ý là đa phần người sử dụng đều mua về rồi cứ thế sạc điện đi đến khi nào xe không thể đi được nữa thì mới đem đi sửa. Đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sử dụng xe đạp điện.

Theo TS Nguyễn Trường Luyện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cần thường xuyên kiểm tra các bộ phận chuyển động, dây phanh, đèn, còi xe để đảm bảo hoạt động tốt, không bị kẹt hay hỏng hóc. Ắc - quy lắp đặt không đúng, khi sử dụng xe một thời gian, các đinh ốc sẽ lỏng dần dẫn tới tình trạng va đập khi di chuyển, dễ gây cháy nổ.

Người sử dụng thường có thói quen dùng sai xe đạp điện như: Chở quá tải, nạp điện khi điện ắc-quy vẫn còn, nạp chưa đủ thời gian... dẫn đến giảm tuổi thọ. Không nên đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập, tránh làm ắc-quy, pin xe hỏng, rò rỉ điện hoặc chì, axit.

Hạn chế đi tốc độ cao, tuân thủ yêu cầu điều khiển phương tiện an toàn. Bình ắc-quy thường có thời gian bảo hành trong 1 năm. Khi hết bảo hành, nếu phải thay 4 cục ắc-quy trong bình điện sẽ có giá từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng. Điều này cho thấy sử dụng xe đạp điện tốn kém nhất là ắc-quy và pin...

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nước ta cho phép nhập khẩu xe đạp điện thì cũng phải tính ngay đến việc xử lý chất thải nguy hại do loại xe này gây ra. Nếu việc xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng được nhu cầu sử dụng xe đạp điện thì tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với môi trường.

Mỗi xe đạp điện thường gắn 3 - 4 bình ắc-quy, mỗi bình ắc-quy có tuổi thọ 2 năm. Nếu Việt Nam có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì hai năm sẽ có 3 - 4 vạn ắc-quy chì phế liệu thải ra môi trường. Do vậy cần có quy định về thu gom, tái chế, xử lý đối với pin xe đạp điện.

Cập nhật: 18/12/2020 Theo GDTĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video