Cận cảnh loài "quái vật nước ngọt lớn nhất hành tinh" ở Amazon

Nhiều người hẳn sẽ ngỡ ngàng trước dáng vẻ khổng lồ đáng sợ của loài "thủy quái" nước ngọt lớn nhất thế giới này.

Cá hải tượng - Loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới ở Amazon

Nhắc đến cá khổng lồ, chúng ta hay nghĩ đến các loài cá mập, cá heo hay cá voi ở biển nhưng ở ngay khu vực sông thôi, bạn sẽ phải bất ngờ trước những kích thước cực "khủng" của các loài cá.

Và hẳn bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng về loài cá khổng lồ mang tên Arapaima - "quái vật" nước ngọt vùng Amazon dưới đây.

Được nhà sinh vật học người Thụy Sĩ - Louis Agassiz phát hiện vào năm 1829, loài cá Arapaima (hay cá hải tượng long, cá hải tượng hay cá Piracuru (từ "pira" nghĩa là cá và "urucum" có nghĩa là màu đỏ)) thuộc chi nước ngọt Arapaimidae trong bộ cá rồng Osteoglossiformes, Arapaima đại diện cho họ Arapaimidae, sống ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ được xem là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Loài cá này đã được nhà sinh vật học người Thụy Sĩ là Louis Agassiz khám phá vào năm 1829. Chúng là loài đặc hữu tại sông Amazon và sông Essequibo ở Nam Mỹ.

Cá hải tượng long trưởng thành có thể đạt đến độ dài hơn 2m, thậm chí có con dài hơn 2,5m với trọng lượng trung bình khoảng 100kg.

Với một số cá thể đặc biệt, trọng lượng của cá hải tượng có thể đạt tới 200kg, dài 3m. Trên thế giới đã từng ghi nhận phát hiện một chú cá hải tượng long dài tới 4m, nặng 300kg.

Cá hải tượng non có vảy màu xám bạc, thân hình tròn và thuôn dài, với phần đầu trông giống đầu cá cá lóc. Cá trưởng thành có màu sắc đậm hơn, ngả nâu xám và có ánh kim.

Trên vảy vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn của cá đều xuất hiện các điểm màu đỏ cam khiến chúng càng trở nên đặc sắc.

Tuy to xác vậy nhưng cá Arapaima rất nhát gan. Khi bị giật mình, nó sẽ quẫy và bắn nước rất mạnh như một cách để phô trương ngoại hình.

Do đó mà nhiều siêu cần thủ thường rỉ tai nhau rằng, khi săn loài cá này, bạn đừng làm chúng hoảng sợ, chỉ khi bạn thấy chúng nổi lên và bơi nhẹ nhàng thì bạn mới có cơ may tóm gọn được nó mà thôi.

Một trong những điểm đặc biệt ở cá hải tượng long là chúng có khả năng thở bằng cách đớp không khí bên trên mặt nước. Bên cạnh mang, loài cá này còn "giải nén" oxy từ không khí nhờ sở hữu lớp mao mạch trong cổ họng - có chức năng như phổi của động vật trên cạn.

Nhờ vậy, cá Arapaima có thể sống sót qua mùa nước cạn hay trong điều kiện thiếu oxy ở vùng ngập nước Amazon bằng cách vùi mình trong lớp bùn cát của đầm lầy và thở bằng miệng. Tuy nhiên, việc hít thở không khí này phải diễn ra 5 - 15 phút một lần.

Nhiệt độ môi trường phù hợp trong khoảng từ 25 đến 29 độ C, độ cứng nước từ 8 đến 10 (dH) và độ pH trong khoảng từ 6-6,5.

Thức ăn thường ngày của Arapaima gồm cá, động vật giáp xác hay sinh vật nhỏ gần bờ. Tuy nhiên, đôi lúc, Arapaima muốn phô diễn sức mạnh nên đã quăng mình thiện nghệ bằng cách phi thân lên khỏi mặt nước vài mét để tóm con mồi như rắn, chim... Trong hoàn cảnh đói cực độ, Arapaima có thể tấn công cả cá sấu non.

Hải tượng long có hàm răng khá sắc nhọn để xẻ thịt con mồi. Do đó, nhiều người cho rằng, với các loài ở vùng sông Amazon thì Arapaima là sát thủ số 1.

Mặc dù cá Arapaima cân nặng lớn nhưng vẫn rất linh hoạt khi săn mồi, có phong cách tương tự như cá voi. Chúng sẽ lặng lẽ tiếp cận con mồi và bất ngờ gia tăng tốc độ, sau đó há mồm lớn để nuốt chửng con mồi. Thông thường, con mồi đã lọt vào tầm ngắm của Arapaima thì khó có thể trốn thoát.

Cá hải tượng cũng có tập tính sinh sản giống như các loài cá rồng. Điều đó có nghĩa là sau khi cá cái đẻ trứng vào tổ, cá đực sẽ thụ tinh rồi ngậm ấp trứng trong miệng suốt từ tháng thứ 1 cho đến tháng thứ 4. Khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5, nước ở các ao hồ dâng cao cũng là lúc cá con nở và bắt đầu cuộc sống vào mùa nước lụt. Trong thời gian này, cá bố và cá mẹ sẽ thay phiên nhau chăm sóc cho cá hải tượng nhỏ.

Lúc này, cá cha mẹ sẽ kiểm soát đàn con bằng cách tiết ra một loại pheromone có tác dụng cuốn hút - giúp cá con "không lạc đường".

Mặc dù có kích cỡ khủng nhưng do sở hữu hình dáng đẹp cùng màu sắc bắt mắt nên cá hải tượng được cư dân Nam Mỹ lựa chọn nuôi làm cá cảnh. Không những thế, người dân ở Đông Nam Á - cụ thể là người Thái Lan cũng có sở thích nuôi loài cá này.

Cá hải tượng long được xem là loại cá phong thủy cỡ lớn nhất ở nước ta, có ý nghĩa rất quan trọng. Với hình dáng to lớn, mạnh mẽ, nhiều "đại gia" tin rằng việc nuôi cá hải tượng sẽ giúp họ thể hiện được quyền lực và củng cố vị thế trong xã hội. Màu sắc rực rỡ của loài cá này cũng được cho là mang lại sự thịnh vượng, giàu có và may mắn cho chủ nhân. Bởi vậy, cá hải tượng long luôn là niềm đam mê xa xỉ của các "đại gia" ngày nay.

Do được sử dụng làm thực phẩm, được coi là đặc sản ở vùng Nam Mỹ, có nguồn kinh tế cao nên cá hải tượng bị săn lùng ráo riết.

Bên cạnh việc cung cấp lượng thịt cá ngọt, ngon - dùng trong thực phẩm, ít ai ngờ, phần lưỡi của cá hải tượng là nguyên liệu cần thiết để chế tạo ra thuốc y dược.

Cụ thể, phần lưỡi của cá hải tượng sấy khô, kết hợp cùng vỏ cây guarana sẽ tạo ra hỗn hợp dùng để tẩy giun. Ngoài ra, phần vảy cá còn được sử dụng như chiếc dũa móng tay.

Kết quả khảo sát ở cộng đồng ngư dân sống tại bang Amazon cho thấy, loài cá hải tượng này đã biến mất trên nhiều khúc sông, nơi chúng từng xuất hiện khá thường xuyên trước đó.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Nam Mỹ, các nhà khoa học trường Đại học California đã quan sát và phát hiện rằng, mặc dù vảy của cá Arapaima có thể bị biến dạng, chúng vẫn không hề bị xước hoặc rách dưới những cuộc tấn công của cá Piranha ăn thịt.

Họ đã tìm ra thông tin lớp trong của vảy cá Arapaima rất cứng và linh hoạt, nó được kết nối bởi collagen cùng một lớp khoáng chất ở bên ngoài. Các loài cá khác cũng sử dụng collagen giống như Arapaima, nhưng các lớp collagen trong vảy của cá khổng lồ này dày hơn hẳn so với các loài khác, có độ dày tương đương với một hạt gạo. Các lớp vảy cá chính là những chiếc áo giáp tự nhiên rất hiệu quả để bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi mà không cản trở sự linh hoạt của chúng.


Lớp trong của vảy cá Arapaima rất cứng và linh hoạt. (Ảnh: Sohu).

Đặc điểm của vảy cá Arapaima đã trở thành điểm quan tâm của những kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất giáp và thép tổng hợp, đã từng được dùng để tạo ra các loại áo chống đạn, được cấu tạo từ nhiều lớp sợi linh hoạt kẹp giữa các tấm nhựa cứng. Việc bắt chước những kết cấu đó trong kỹ thuật có thể giúp tạo ra những vật liệu nhẹ và tốt hơn để sản xuất áo giáp.

Robert Ritchie, một nhà khoa học chuyên về vật liệu và cũng là tác giả chính của nghiên cứu đã nói thêm rằng, khác với giáp nhân tạo mà con người tạo ra phải dùng chất kết dính thứ ba, các lớp vảy cá được liên kết tại cấp độ nguyên tử và cùng phát triển để tạo thành một khối vững chắc nhưng vẫn giữ được độ đàn hồi cần thiết. Và collagen khoáng hóa chính là cấu trúc liên kết lớp vật liệu cứng và vật liệu mềm với nhau.

Cập nhật: 10/12/2024 Theo Trí Thức Trẻ/ĐSPL
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video