Cận cảnh nơi "gây giống" sao

Vẻ đẹp rực rỡ của thiên hà lùn NGC 4214 đang xáo động bởi sự hình thành sao, "rắn mặt trời" uốn lượn, ... nằm trong số những bức ảnh vũ trụ đẹp nhất tuần qua theo bình chọn của tạp chí National Geographic.

Thiên hà lùn NGC 4214 rực rỡ sắc màu trong một bức ảnh tổng hợp do Kính viễn vọng Hubble của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) chụp và mới được công bố. Thiên hà cách trái đất khoảng 10 triệu năm ánh sáng này đang xáo động bởi sự hình thành sao. Tuy nhiên, các nhà thiên văn cũng đã quan sát thấy những cụm sao nhiều tuổi hơn nằm rải rác xung quanh thiên hà "gây giống sao" này. Điều đó chỉ ra rằng chu kỳ tạo sao hiện thời không phải là lần đầu tiên xảy ra trong khu vực này của vũ trụ. Ngoài ra, lượng khí hyđro dồi dào của thiên hà - thành phần chính cấu tạo nên các ngôi sao - cho thấy việc sản sinh sao tại đây nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục lâu dài trong tương lai.

Một bức ảnh do tàu thăm dò Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cung cấp tiết lộ các vết rạn nứt sâu cắt ngang bề mặt của sao Hỏa. Bức ảnh này chụp lại một phần của khu vực Nili Fossae, nơi tập hợp các máng và đứt gãy cong phía tây bắc của lòng chảo va chạm cổ đại Isidis. Các đường cong có xu hướng tuân theo hình dáng của lòng chảo, cho thấy những đứt gãy dường như được hình thành do hậu quả của vụ va chạm.

Tàu thăm dò Solar Dynamics Observatory (SDO) của NASA gần đây đã hướng quan sát tới một khu vực hoạt động của mặt trời và ghi lại được hình ảnh của một con "rắn mặt trời" (thực chất là một dải plasma - khí mang điện tích) đang uốn lượn dọc theo các đường từ trường suốt hơn 2 ngày.

Các luồng gió phân tử bắt nguồn từ một thiên hà. Với tầm nhìn hồng ngoại mạnh mẽ, kính viễn vọng không gian Herschel của ESA đã phát hiện những luồng khí phân tử dữ dội thoát ra từ các thiên hà với tốc độ nhanh nhất có thể đạt 1.000 km/giây. Các nhà khoa học từng nghi ngờ sự tồn tại của những cơn gió như vậy nhưng dữ liệu thu được của kính viễn vọng Herschel lần đầu tiên đã xác thực điều đó. Người ta cho rằng, các luồng gió đó đang vắt cạn nguồn nhiêu liệu thô cho sự hình thành sao của các thiên hà, mặc dù chính xác thứ gì điều khiển các luồng gió ấy vẫn còn là một bí ẩn.

Trầm tích màu gỉ sắt chảy tràn vào các vùng nước màu ngọc lam của hồ Ayakum trên cao nguyên Tây Tạng. Khi các trầm tích này tích tụ tới mức một con sông không thể chảy qua chúng được nữa, dòng sông sẽ chuyển đến một kênh mới. Theo thời gian, các kênh này có xu hướng quét qua lại để tạo thành hình dạng quạt đặc trưng của các vùng châu thổ sông.

Vệ tinh Landsat-7 của NASA ngày 8/5 đã chụp được bức cảnh khói bốc lên cuồn cuộn từ đám cháy vùng thảo nguyên Honey ở khu vực đầm lầy Okefenokee, miền nam bang Georgia, Mỹ. Bắt nguồn từ sét, đám cháy cho đến hiện giờ đã tàn phá khoảng 25.018 héc-ta của cây bụi và bụi rậm. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương không tỏ ra quá lo lắng: các đám cháy là một phần tự nhiên của hệ sinh thái đầm lầy, giải phóng đất cho sự sinh sôi của những đồng cỏ tươi mới. Các nhân viên cứu hỏa vẫn đang nỗ lực kìm giữ lửa không lan rộng và hy vọng những cơn mưa lớn mùa hè cuối cùng sẽ dập tắt được đám cháy.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video