Vệ tinh của NASA vừa chụp được những bức hình cận cảnh về một hố sâu khổng lồ trên mặt trăng.
Tháng 11/2011, tàu không gian LRO của NASA bay ngang qua hố sâu Aristarchus của mặt trăng. Những bức ảnh chụp được cho thấy đường kính của hố lên tới 40km và độ sâu của nó lên tới hơn 3,5km.
Những bức tường đá bazan khổng lồ vây quanh hố sâu
Với kích cỡ chưa từng thấy này, cộng với sự phản sáng cao, hố sâu Aristarchus có thể dễ dàng nhìn thấy được bằng cả mắt thường. Tuy nhiên do quỹ đạo bay cực thấp của LRO, loạt ảnh mới đã cho phép con người có cái nhìn chi tiết chưa từng có về hố sâu này.
“Tàu chỉ bay cách bề mặt mặt trăng khoảng 26km, thấp hơn 2 lần so với quỹ đạo bình thường”, NASA cho biết. “Để dễ hình dung, độ cao đó chỉ hơn gấp đôi một chút so với khoảng cách từ mặt đất tới các máy bay dân dụng”.
Cảnh tượng mà các bức ảnh vẽ ra được miêu tả là “quá tuyệt vời và lý thú về mặt khoa học”.
Thềm Aristarchus là một trong những khu vực đa dạng về mặt địa chất nhất trên mặt trăng: một thềm địa chất phẳng nổi lên một cách bí ẩn, một “kênh đào” khổng lồ do nham thạch phun trào tạo ra, những vùng bình nguyên đầy tro núi lửa phun trào và tất cả được bao quanh bởi bazan, NASA mô tả.
Theo LiveScience, các nhà khoa học cho rằng hố sâu này chỉ mới hình thành tương đối gần đây, khi một sao chổi hoặc thiên thạch va phải mặt trăng và để lại một hố sâu trên bề mặt của nó.