Cẩn thận khi dùng aspirin

Aspirin có nhiều tác dụng điều trị như phòng chống kết tập tiểu cầu, phòng và điều trị huyết khối ở mạch máu (như viêm tĩnh mạch huyết khối) và phòng ngừa nhồi máu cơ tim, hạn chế nguy cơ ung thư trực tràng, thực quản... Tuy nhiên, mặt trái của aspirin cũng nhiều, cần tránh dùng nó trong một số trường hợp.

Nên uống aspirin lúc no để tránh những tai biến đáng tiếc (Ảnh: greatbigstuff)
Tên thuốc “aspirin” chính thức ra đời từ năm 1899. Ban đầu nó được bào chế dưới dạng bột, và một năm sau được bán dưới dạng viên. Ngày nay aspirin dùng khá phổ biến với rất nhiều biệt dược (tên thương mại) và dưới nhiều dạng: viên nén, viên bao, gói thuốc bột, viên sủi, viên aspirin pH8...

Aspirin và hội chứng Reye (HCR)

Trẻ em và thiếu niên uống aspirin trong một hoàn cảnh nhất định nào đó có thể bị nguy hiểm, đó là hội chứng Reye (HCR). HCR đặt theo tên nhà nghiên cứu bệnh học Douglas Reye (người Australia) - lần đầu tiên mô tả căn bệnh này từ năm 1963 ở một viện tại Sydney. HCR gồm hai nhóm triệu chứng: hội chứng não cấp và thoái hóa mỡ ở các phủ tạng (não, thận, tim, nhất là gan), bệnh rất nặng có tỷ lệ tử vong cao.

Theo thống kê thì cứ 2 bệnh nhi chỉ cứu được 1, đứa trẻ sống sót cũng bị tổn thương nặng nề ở não. Hầu hết các đứa trẻ đều bị sốt do cảm cúm, hoặc thủy đậu, rồi được cho uống aspirin, sau đó bị nôn mửa, bất tỉnh, đôi khi có co giật, dẫn đến tử vong nhanh. Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Ủy ban An toàn dược phẩm Vương quốc Anh đã công bố một khuyến cáo: “Không dùng aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi, trừ trường hợp bệnh thấp khớp”.

Còn ở Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Y tế đã quyết định ghi thêm trong đơn chỉ dẫn những tác hại bên cạnh những tác dụng của aspirin. Tại bang Michigan (Mỹ) từ năm 80 thế kỷ XX trở đi, nhờ thông tin rộng rãi trên báo chí về nguy cơ phát sinh HCR do trẻ em uống aspirin mỗi khi mắc bệnh thủy đậu, mà HCR đã giảm rõ rệt mặc dù bệnh thủy đậu vẫn tồn tại hằng năm.

Aspirin với bệnh nhân hen suyễn

Người bệnh hen không được dùng aspirin, vì nó làm cho cơn hen trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Aspirin có thể gây ra phản ứng lên cơn hen không theo cơ chế miễn dịch, vì thế còn gọi là dị ứng giả, hay đặc ứng. Cơ chế đặc ứng gây hen... của aspirin chưa được hiểu biết tường tận, chỉ biết nó liên quan tới nhiều yếu tố, nhất là sự mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien...

Hen phế quản do aspirin thường xảy ra ở những người có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định...), xuất hiện đợt cấp tính khi sử dụng aspirin, các triệu chứng thường xuất hiện 2-3 giờ sau dùng thuốc, với biểu hiện nặng, kéo dài thậm chí tử vong.

Một số trường hợp khác cần lưu ý

Mô hình hóa học Aspirin (Ảnh: bris.ac.uk)

- Do đặc tính chống kết tập tiểu cầu làm tăng chảy máu, máu không đông, phụ nữ đang hành kinh không nên dùng aspirin, đặc biệt những người đang bị rong kinh, rong huyết không dùng aspirin để hạ sốt, giảm đau... Những người mắc các chứng hay chảy máu cũng không được dùng.

- Phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối không được dùng aspirin vì có thể kéo dài thời gian thai nghén, và thuốc có thể gây độc cho thai nhi, gây chảy máu ở trẻ sơ sinh, sản phụ dễ bị băng huyết khi đẻ. Người nuôi con bú cũng không dùng aspirin, vì thuốc ngấm qua sữa mẹ, có khả năng gây độc cho đứa trẻ.

- Người bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng không được dùng aspirin, bởi aspirin tạo điều kiện cho acid dịch vị và men pepsin gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày sau khi hàng rào bảo vệ bị suy yếu. Nó làm tăng những ổ viêm loét vốn có trong dạ dày, thậm chí có thể làm chảy máu, hoặc nặng hơn là làm thủng dạ dày.

- Những người bị suy gan, thận, bị các chứng thiếu máu (do aspirin làm giảm tuổi thọ hồng cầu) đều không được dùng aspirin. Những người đang dùng các thuốc chống đông máu, methotrexat tuyệt đối không dùng aspirin.

- Khi uống aspirin không được uống rượu, bởi rượu làm tăng kích ứng niêm mạc dạ dày của aspirin. Bản thân aspirin có tính acid, có thể làm cho bộ máy tiêu hóa cồn cào khó chịu, nên uống thuốc vào lúc no.

- Ngoài ra, tuy aspirin ít độc, dễ uống, nhưng nếu dùng lâu dài có thể gây hội chứng buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, lú lẫn... Khi có bệnh cần hạ sốt, giảm đau... mọi người không nên tự ý uống aspirin, mà cần qua cán bộ y tế hướng dẫn dùng thuốc.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video