Các hệ thống báo động sóng thần đã được lắp đặt rải rác từ hai năm nay nhằm tránh một thảm họa tương tự vụ sóng thần châu Á năm 2004, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ chế phối hợp cấp khu vực nào được triển khai.
Theo các chuyên viên, châu Á vẫn chưa có bất kỳ một cơ chế báo động sóng thần cấp khu vực bởi các nước liên quan vẫn chưa nhất trí trong chính sách phối hợp chung, mặc dù từng nước riêng lẻ đã có những hoạt động đáng kể trong lĩnh vực này.
Trong đó, Thái Lan đã lắp đặt các đài quan sát có khả năng phát lệnh báo động sóng thần trên một phần các vùng ven biển nước này, và đầu tháng 12, với sự trợ giúp của Mỹ, Thái Lan đã có một phao tiêu giám sát cực kỳ hiện đại hướng về Sri Lanka.
Indonesia có ý định triển khai 15 phao tiêu báo động và hơn 100 địa chấn kế với sự trợ giúp của Đức, từ nay đến năm 2009. Ấn Độ hi vọng lắp đặt một hệ thống báo động sóng thần ven biển từ nay đến tháng 9-2007... Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc phối hợp khu vực mới là hoạt động chống sóng thần hiệu quả nhất lại chưa được các nước thực hiện.
Những vùng phụ cận một ngôi đền ở tỉnh Aceh (Indonesia) sau và trước khi xảy ra
sóng thần năm 2004. (Ảnh: TTO)
Theo ông Smith Thammararoj, trưởng Trung tâm báo động thiên tai của Thái Lan, các cuộc thảo luận về vấn đề này trong khuôn khổ Ủy ban ngành hải dương học liên chính phủ của LHQ vẫn chưa có hồi kết.
Theo đó, các nước bị tác động từ trận sóng thần ngày 26-12-2004 vẫn chưa nhất trí đối với dự án thành lập một trung tâm báo động khu vực tương tự như Trung tâm báo động sóng thần ở Thái Bình Dương đặt tại Hawaï. Các bên vẫn chưa lựa chọn được quyền kiểm soát Trung tâm giữa các ứng viên Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Úc.
L.XUÂN