Cậu bé bị cắt mất 1/6 não bộ, sau 3 năm vẫn sống bình thường mà không hay biết gì

Cậu bé bị khiếm khuyết một phần thị giác nhưng vẫn có chỉ số IQ trung bình.

Bộ não con người là một cơ quan tuyệt vời đến kinh ngạc. Nếu bị tổn hại một chút hay thậm chí cực kỳ nghiêm trọng, não vẫn có thể khai thác phần tài nguyên còn sót lại của nó để giúp bạn sống.

Trường hợp người đàn ông Pháp mất 90% não bộ, và cậu bé người Anh sinh ra "không có não" này làm minh chứng.

Mới đây, một báo cáo kì lạ về não bộ tiếp tục thách thức hiểu biết của các nhà khoa học. Báo cáo kể về trường hợp một cậu bé 7 tuổi, bị cắt bỏ tới 1/6 bộ não mà vẫn sống bình thường. Sau 3 năm, cậu bé bị khiếm khuyết một phần thị giác nhưng vẫn có chỉ số IQ trung bình.

Thậm chí, các nhà khoa học cho biết ở tuổi lên 10, cậu bé vẫn chưa nhận thức được tình trạng khuyết tật của mình, nhìn bề ngoài cậu chẳng khác gì một người bình thường.


Một cậu bé bị cắt bỏ 1/6 não bộ, sau 3 năm vẫn sống bình thường mà không hay biết gì.

Bởi tên cậu bé không được phép tiết lộ, các nhà khoa học gọi cậu bằng biệt danh U.D. Năm 7 tuổi, U.D. phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ thùy chẩm và thùy thái dương sau. Mục đích của ca phẫu thuật là để ngăn chặn những cơn co giật thường xuyên và không thể chữa trị của U.D.

Khoảng 10% trẻ em mắc chứng động kinh khó chữa phải phẫu thuật cắt bỏ một phần não, khu vực kích thích các cơn co giật xảy ra. Đối với U.D. cậu bé phải cắt bỏ 1/3 bán cầu não phải, khu vực chịu trách nhiệm xử lý tín hiệu thị giác và một phần ngôn ngữ.

Hậu quả của ca phẫu thuật khiến U.D. bị khiếm khuyết tầm nhìn ở bên trái, mặc cho cả hai mắt cậu bé vẫn sáng. Tuy nhiên, các bác sĩ bắt đầu nhận thấy một hiện tượng kì lạ, khi phần thùy chẩm và thái dương sau còn lại bên não trái tiếp quản nhiệm vụ của những "đồng nghiệp" đã bị cắt bỏ bên não phải.

Hiệu ứng này giúp U.D. nhận diện được khuôn mặt và vật thể ở phía bên trái tầm nhìn.

"Khiếm khuyết duy nhất mà cậu bé gặp phải là việc không thể nhìn thấy toàn bộ trường thị giác. Khi nhìn về phía trước, các thông tin thị giác đi vào mắt trái không được xử lý, nhưng cậu bé vẫn có thể bù đắp điều này bằng cách quay đầu hoặc liếc mắt", Marlene Behrmann, một nhà thần kinh học tại Đại học Carnegie Mellon cho biết.

"Hơn nữa, bằng cách theo dõi những thay đổi trong não khi U.D. lớn dần lên, chúng tôi có thể chỉ ra những phần não vẫn ổn định và được tổ chức lại theo thời gian. Điều này cung cấp cái nhìn sâu sắc về khả năng tái tạo chức năng thị giác trong vỏ não".

Ngoài việc mất một phần thị lực, các nhà nghiên cứu nói rằng phần não bị khiếm khuyết không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của U.D. Trước và sau cuộc phẫu thuật, cậu bé có chỉ số IQ trung bình, kỹ năng nhận thức ngôn ngữ và thị giác của cậu phù hợp với lứa tuổi.

Các nhà khoa học còn cho rằng chính cậu bé cũng chưa nhận thức được khiếm khuyết của mình. Nhìn bề ngoài U.D. không khác gì một đứa trẻ bình thường. "Tôi nghi ngờ rằng cậu bé còn không nhận thức rõ ràng được rằng mình đang thu nhận thiếu thông tin [thị giác]", Behrmann giải thích.


Ảnh chụp fMRI cho thấy U.D. bị khiếm khuyết mất 1/3 bán cầu não phải.

Những phát hiện về trường hợp của U.D. được tổng hợp lại sau khi các nhà nghiên cứu theo dõi cậu bé suốt 3 năm, với sự hỗ trợ của máy cộng hưởng từ chức năng fMRI. U.D. cũng thường được cho làm các bài kiểm tra thị giác và hành vi, để so sánh với những đứa trẻ khỏe mạnh khác ở cùng độ tuổi.

Trong các bài kiểm tra, U.D. có thể dễ dàng nhận ra các vật thể và khung cảnh - tương đương với khả năng của cậu trước ca phẫu thuật. Khả năng đọc của U.D. cũng ở trên mức trung bình.

"Những phát hiện này cho thấy một đặc tính linh hoạt của hệ thống thị giác trong quá trình phát triển não bộ của trẻ em", Behrmann nói.

"Chúng cũng tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống thị giác của vỏ não, có thể giúp các nhà thần kinh học và các nhà giải phẫu thần kinh hiểu những thay đổi nào có thể xảy ra trong não bộ [khi bệnh nhân bị tác động vào đó]".

Tại thời điểm này, các nhà nghiên cứu không hoàn toàn hiểu được phần não bộ còn lại của U.D. có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ mới như thế nào, mà không gây ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong quá trình xử lý nhận thức. Nhưng sự linh hoạt mà cậu bé thể hiện có thể liên quan đến độ tuổi còn nhỏ của mình, khi não bộ vẫn đang trong quá trình phát triển.

Trở lại vào cuối năm 2017, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một cậu bé 7 tuổi khác mất toàn bộ khu vực xử lý hình ảnh của não nhưng vẫn có thể nhìn thấy.

Các trường hợp kỳ lạ được báo cáo này chỉ ra một thực tế, chúng ta vẫn chỉ mới hiểu được một chút bề nổi khi nói đến những gì bộ não của con người có thể làm. Khả năng tái thiết của bộ não chúng ta khi gặp tổn thương quả đáng kinh ngạc.

Cập nhật: 13/08/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video