Câu chuyện cảm động về người đầu tiên của nhân loại vĩnh viễn an nghỉ trên Mặt trăng

Người duy nhất được chôn cất trên Mặt trăng là ai?

50 năm sau Sứ mệnh Apollo, đã có 12 người đặt chân lên Mặt trăng và hàng chục người được mai táng ngoài không gian. Trong đó đặc biệt hơn cả là Eugene Shoemaker - một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20, và cũng là người duy nhất của nhân loại an nghỉ trên Mặt trăng.

Bia đá tưởng niệm ông trên Trái Đất ghi rõ: "Sống một lần, chôn cất 2 lần", muốn nói đến việc Shoemaker được an táng nơi quê nhà, và cả trên Mặt Trăng xa xôi.

Eugene Shoemaker (hay còn được bạn bè và gia đình gọi bằng cái tên thân thương Gene), là một trong những bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20.


Eugene Shoemaker là người duy nhất được mai táng trên Mặt trăng.

Ước mơ cháy bỏng lên Mặt trăng nhưng không thành

Tên tuổi của nhà khoa học này sớm đã không còn lạ lẫm trong cộng đồng khoa học. Ông cùng vợ Carolyn và đồng nghiệp David Levy là người đã phát hiện ra sao chổi Shoemaker-Levy 9 nổi tiếng với sự kiện va chạm với sao Mộc. Sự kiện từng làm mưa làm gió trên các tờ báo trên khắp thế giới năm 1994, đánh dấu lần đầu tiên con người chứng kiến cảnh tượng hai thiên thể trong Thái Dương Hệ va vào nhau.


Shoemaker từ lâu cũng đã rất yêu thích Mặt trăng.

Ông còn để lại nhiều đóng góp cho khoa học khi ứng dụng các kiến thức địa chất học của mình vào thiên văn, góp phần tạo nên ngành khoa học hành tinh. Một trong số đó là sự thành lập Chương trình Nghiên cứu Địa chất thiên văn (Astrogeology Research Program) – dự án thuộc cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Các công trình nghiên cứu về hố thiên thạch của ông có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với việc tìm hiểu về sự tuyệt chủng của khủng long và đối với Sứ mệnh Apollo đưa con người lên Mặt trăng.

Shoemaker từ lâu cũng đã rất yêu thích Mặt trăng, và ước mơ được ngồi lên một chiếc phi thuyền để rồi đặt chân đến và nghiên cứu hành tinh nhỏ này. Đáng buồn thay, ông đã không bao giờ có cơ hội thực hiện điều đó. Ông mắc bệnh thận, và căn ăn bệnh đã dập tắt ước mơ của ông.

Vậy nên thay vào đó, ông tham gia đào tạo các phi hành gia của Sứ mệnh Apollo về các kiến thức địa chất phục vụ cho chuyến du hành Mặt trăng.


Eugene Shoemaker.

Trở thành người đầu tiên được an nghỉ trên Mặt trăng

Sau khi Sứ mệnh Mặt trăng kết thúc, Gene (tên thân mật của Shoemaker) vẫn tiếp tục nghiên cứu và quan sát các hành tinh, thiên thể, vẫn đi khắp nơi trên thế giới để nghiên cứu về đất mẹ và đã có thêm nhiều đóng góp cho cả thiên văn học và địa chất học.

Bi kịch đã xảy ra. Trên đường khám phá miệng núi lửa ở Úc vào năm 1997, Gene gặp phải tai nạn xe hơi và qua đời vào ngày 18/7, để lại niềm tiếc thương cho rất nhiều người. Thế nhưng, cuộc phiêu lưu của ông có vẻ vẫn chưa kết thúc tại đó. Ước mơ ông đã không thể thực hiện khi còn sống, cuối cùng được "chấp cánh" khi ông qua đời.

Một đồng nghiệp thân thiết của Gene - Carolyn Porco muốn giúp đỡ bạn mình thực hiện ước mơ trở thành phi hành gia và đã tìm cách để có thể đưa ông lên Mặt trăng. May mắn thay, nhờ vào những thành tựu và đóng góp cho khoa học mà Gene đem lại, Carolyn Porco không mất quá nhiều công sức để thuyết phục NASA, họ đồng ý tôn vinh nhà khoa học quá cố bằng cách đưa tro cốt của ông lên Mặt trăng.

Ngày 6/1/1998, NASA đưa tàu thăm dò lên cực nam của Mặt trăng cùng 28 gram tro cốt của Shoemaker. Phần tro được bao bọc cẩn thận trong một lá đồng thau có khắc tên, ngày tháng, hình ảnh sao chổi Hale-Bopp, hố thiên thạch Arizona (nơi ông đào tạo các phi hành gia Apollo) và một trích dẫn từ tác phẩm "Romeo và Juliet" một trong những kiệt tác vĩ đại nhất nền văn học thế giới - của William Shakespeare:

Và, khi anh chết,

Hãy cắt anh thành những ngôi sao nhỏ,

Và anh sẽ làm cho gương mặt của thiên đường trở nên đẹp đẽ

đến nỗi cả thế giới sẽ yêu màn đêm,

Và không tôn thờ Mặt trời rực rỡ.

Lunar Prospector rời bệ phóng từ Trạm không quân Cape Canaveral, bang Florida, ngày 6/1/1998. Hơn một năm sau, khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu, con tàu được điều khiển đâm xuống gần cực nam. Tro cốt của Shoemaker cũng theo đó lưu lại trên Mặt Trăng.

Celestis hy vọng có thêm người được chôn cất trên Mặt Trăng trong tương lai. Tuy nhiên, hiện Shoemaker là người duy nhất lịch sử yên nghỉ tại vùng đất xa xôi này. "Mỗi khi nhìn lên Mặt Trăng, chúng tôi sẽ luôn biết Eugene đang ở đó", Carolyn Shoemaker chia sẻ trong một thông cáo báo chí năm 1998.

Nỗ lực đưa tro cốt 66 người nổi tiếng lên Mặt trăng

Gần đây, Công ty Celestis lại thực hiện sứ mệnh thứ hai - có tên là Tranquility. Một viên nang chứa tro cốt và DNA của 66 người nổi tiếng đã chết được đưa lên tàu Peregrine để mang lên chôn trên Mặt trăng.

Tàu Peregrine được tên lửa đẩy Vulkan phóng vào vũ trụ lúc 2h18 sáng 8-1 (giờ địa phương) từ mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ. Nếu không có gì trục trặc, tàu sẽ hạ cánh ở phần đông bắc của Mặt trăng vào ngày 23-2 và sẽ ở đó vĩnh viễn.

Tuy nhiên vào tối 8-1 (giờ Việt Nam), công ty cho biết "một sự bất thường đã xảy ra khiến tàu không thể đạt được hướng ổn định về Mặt trời". Hiện công ty đang phân tích các dữ liệu và xử lý sự cố.

Navajo Nation - lãnh thổ bán tự trị của người bản địa Mỹ ở phía tây nam nước Mỹ - đã chỉ trích nỗ lực chôn cất tro cốt trên Mặt trăng vì phớt lờ vị trí thiêng liêng của Mặt trăng trong nhiều nền văn hóa bản địa. Lãnh đạo Navajo Nation mô tả đây là một “sự xúc phạm không gian thiêng liêng”.

Cập nhật: 12/01/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video