Cấy ghép tế bào heo để trị bệnh tiểu đường

Trong một cuộc thử nghiệm ở Nga, tế bào tụy tạng heo cho thấy có khả năng giúp bệnh nhân tiểu đường sản xuất được insulin. Một tháng sau khi được cấy ghép, 1 bệnh nhân đã không còn lệ thuộc vào thuốc tiêm insulin.

Tế bào tụy tạng heo có triển vọng trong việc giúp cơ thể bệnh nhân tiều đường loại 1 sản xuất insulin. (Ảnh: Herald Sun)

Trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I/IIA ở Nga, Công ty Living Cell Technologies Ltd. (LCT), có trụ sở ở Úc, đã thực hiện cấy ghép tế bào tụy tạng heo – được đặt tên là DiabeCell – cho một số bệnh nhân tiểu đường loại 1 và kết quả bước đầu được xem là đáng phấn khởi.

Sau khi được cấy ghép, một phụ nữ 40 tuổi đã có thể giảm dần lượng insulin cần tiêm, và 1 tháng sau, bà đã không còn phải tiêm insulin nữa. Điều đó có nghĩa là cơ thể bệnh nhân đã sản xuất được insulin. Trong khi đó, bệnh nhân thứ hai là nam giới, 26 tuổi, đã có thể kiểm soát được nồng độ glucose trong máu và giảm được khoảng 40% lượng insulin cần tiêm mỗi ngày.

Tổng Giám đốc LCT, tiến sĩ Paul Tan, cho biết 2 bệnh nhân Nga này đã được cấy ghép cùng một số lượng tế bào tụy tạng heo tính trên trọng lượng cơ thể, và đó là liều cấy ghép thấp nhất, chỉ bằng 1/3 liều được định ra trong nghiên cứu của LCT. Số tế bào này được cấy vào ổ bụng bằng phẫu thuật nội soi.

Những tế bào này được bao bọc bằng một lớp gel có nguồn gốc từ tảo biển. Lớp vỏ bọc này cho phép các chất dinh dưỡng tiến vào bên trong tế bào, giúp tế bào không bị hệ miễn dịch tấn công, đồng thời tạo điều kiện cho tế bào sản xuất và phóng thích insulin.

Theo LCT, từ khi được cấy ghép DiabeCell cho đến nay, cả 2 bệnh nhân đều không trải qua bất cứ phản ứng quan trọng nào và cũng không cần sử dụng thuốc chống thải ghép. Sắp tới, 2 bệnh nhân này sẽ tiếp tục được điều trị bằng liều DiabeCell thứ hai.

Giáo sư Bob Elliot, Giám đốc Y khoa của LCT và là người khởi xướng liệu pháp này, phát biểu rằng: “Những kết quả bước đầu này đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi”.

Tiến sĩ Tan hy vọng được cấp phép trong tuần này để xúc tiến việc thử nghiệm tại New Zealand. (Ảnh: nzherald.co.nz)

Để loại trừ mọi nguy cơ đối với sức khoẻ con người, trong cuộc thử nghiệm đang diễn ra, các chuyên gia đã sử dụng heo thuộc giống Gloucester Old Spot hoàn toàn khoẻ mạnh và được cách ly đặc biệt. Tiến sĩ Tan hy vọng trong tuần này sẽ được cơ quan thẩm quyền New Zealand cấp phép để có thể tiếp nhận người đăng ký tham gia thử nghiệm tại nước này.

Theo LCT, trong những cuộc thử nghiệm tiếp theo ở New Zealand, các chuyên gia có thể sử dụng DiabeCell với liều cao gấp 3 lần liều đã sử dụng cho 2 bệnh nhân nói trên.

Những cuộc thử nghiệm tương tự chưa được thực hiện ở Úc vì nước này đã ban hành lệnh cấm 5 năm – từ năm 2004 – đối với việc cấy ghép bộ phận động vật cho con người, vì lo ngại những bệnh tật ở động vật có thể truyền sang người.

Vĩnh Thọ
Theo New Zealand Herald, Herald Sun, LCT, Vietnamnet

Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video