Cây "hóa thạch sống" 66 triệu năm được trồng ở nơi bí mật

Một nhóm nhà khoa học đang tìm cách giới thiệu lại thông Wollemi tuyệt chủng 2 triệu năm trước trong tự nhiên.

Các nhà khoa học đang trồng cây "hóa thạch sống" ở địa điểm bí mật nhằm đưa các loài đã thất lạc thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng trong nỗ lực có thể kéo dài hàng thập kỷ. Cây thông Wollemi (Wollemia nobilis) được cho là biến mất cách đây 2 triệu năm. Hóa thạch loài này từ kỷ Phấn Trắng (cách đây 66 - 145 triệu năm) cho thấy chúng hầu như không thay đổi về hình dáng.


Thông Wollemi không thay đổi hình dáng suốt 66 triệu năm. (Ảnh: ABC News).

Năm 1994, người leo núi trên dãy Blue ở Australia bắt gặp một cá thể còn sót lại của loài thông cổ đại. Hiện nay, chỉ có khoảng 60 cây tồn tại trong vườn quốc gia Wollemi. Chúng bị đe dọa bởi Phytophthora cinnamomi, một loại mốc gây bệnh, và cháy rừng liên tục ở bang New South Wales. Từ khi tái phát hiện, thông Wollemi được trồng trong các vườn bách thảo và đất tư nhân trên khắp thế giới. Đội phục hồi thông Wollemi, dự án hợp tác giữa chính phủ Australia với nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn, bắt đầu quá trình tái giới thiệu cây giống non tại 3 địa điểm trong vườn quốc gia Wollemi.

Wollemi thuộc họ Araucariaceae, chỉ sống trong tự nhiên ở Australia (Úc). Thông Wollemi thường có chiều cao đạt khoảng 25-40m. Thân cây có vỏ màu nâu sẫm. Loài này có điểm đặc biệt khác với các giống thông khác là các nhánh mọc xung quanh một thân duy nhất và chỉ phát triển đến một kích thước nhất định.

Sau một vài năm, ở đầu mỗi nhánh này xuất hiện một hoa rồi ngừng tăng trưởng. Khi hoa hình thành hạt thì nhánh cũng tự khô và rụng xuống. Hạt sẽ nảy lên cây thông khác, trong khi đó trên thân cây mẹ sẽ mọc ra những nhánh mới.

Loài thông này có tuổi thọ rất cao. Một số cây hiện tại được ước tính có tuổi thọ 500-1.000 năm tuổi.

Sau hàng chục năm nhân giống, hiện loài này có thể tìm thấy ở một số quốc gia nhưng chỉ có 200 cây thông Wollemi sống tự nhiên tại một địa điểm bí mật trong Công viên Quốc gia Wollemi rộng 5.000km2 ở phía tây bắc Sydney được cho là cổ nhất.

Theo các nhà nghiên cứu, sự quý hiếm của loài cây này là do vật liệu di truyền thiếu đa dạng, mặc dù phân tích bộ gene của nó, cho thấy có 12,2 tỷ cặp nhiễm sắc thể cơ bản, một con số cao gấp bốn lần so với con người.

Tuy nhiên, khó khăn để cây sinh sản nằm ở số lượng lớn transposon, những đoạn DNA có khả năng di chuyển qua bộ gene. Càng ít transposon ổn định thì sinh vật càng ít phát triển.


Thông Wollemi được phân loại là ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) và được chính phủ Úc bảo vệ ở chế độ đặc biệt.

Theo đại diện của đội, địa điểm được chọn bao gồm hẻm đá cát kết ở độ cao lớn, đủ sâu, hẹp và dốc để cung cấp nơi trú ẩn cho cây khỏi cháy rừng dữ dội và hạn hán. Các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh do Phytophthora tại địa điểm khi khảo sát ngay trước khi vận chuyển cây non và khả năng có khách lạ tới cũng rất thấp do vị trí hẻo lánh.

Sau nỗ lực trồng thử nghiệm năm 2012, đội phục hồi khởi động dự án rộng hơn vào năm 2019. Hơn 400 cây giống non được trồng tại hai địa điểm. Do hạn hán, sau đó cả nhóm phải chuyển hàng nghìn lít nước tới để giúp cây sống sót. Cuối năm đó, một lượng lớn cây bị phá hủy bởi cháy rừng. Chỉ có 58 cây non còn tồn tại vào năm 2023.

Năm 2021, thêm 502 cây thông Wollemi được trồng ở các địa điểm để thay thế số cây bị mất trong cháy rừng. Nhờ điều kiện thuận lợi từ hiện tượng La Nina, số lượng cây sống sót vượt ngoài dự kiến. Tuy nhiên, sạt lở do mưa lớn năm 2022 khiến một số cây chết. Đội phục hồi đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn lây nhiễm Phytophthora. Vị trí trồng cây được giữ kín, thậm chí đội phục hồi cũng hạn chế thời gian ở gần cây. Họ liên tục khử trùng giày nhằm đề phòng khả năng mang theo mầm bệnh nấm mốc gây thối rễ.

Trong khi quần thể cây mới được theo dõi chặt chẽ, số phận của thông Wollemi trong tự nhiên vẫn chưa chắc chắn. Cây non mọc chưa đến một centimet một năm, vì vậy chúng cần hàng thập kỷ để trưởng thành và tạo ra hạt. Một số cây có thể sinh ra cây con mọc từ thân mẹ, nhưng không rõ khi nào chúng có thể tự phát triển. Cháy rừng và nhiều vấn đề liên quan tới khí hậu như lượng mưa giảm nhiều khả năng ảnh hưởng tới nỗ lực phục hồi trong những năm tới.

Cập nhật: 17/10/2024 VnExpress/NĐT
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video