Cây treo đầy áo ngực, xe đạp giữa đường đầy kỳ quặc ở Australia

Cây treo mũ, áo ngực, cốc, xe đạp hay gấu bông đến nay vẫn là hiện tượng không thể lý giải ở Australia, theo The Guardian.


Một cây bạch đàn treo đầy áo ngực trên đoạn đường hẻo lánh ở Australia. Cách đó không xa về phía nam, một cái cây khác được chất đầy những đôi giày cũ. Còn trên bờ sông Murray Darling, hàng trăm đôi dép được đóng đinh vào thân cây đã bị xẻ ra. Người dân địa phương gọi nó là "cây dép xỏ ngón".

Những cái cây như vậy không phải điều gì xa lạ ở đất nước Kangaroo.

Kích thước của đồ vật treo trên cây không dừng lại ở đó. Cuối con đường rải sỏi cách Brisbane (bang Queensland) vài giờ về phía tây là cây bạch đàn già "gồng gánh" 5 chiếc xe đạp rỉ sét, hai đôi giày và một tấm biển ghi: "Cây Onya" - viết tắt của "goodonya" hay "good on you".

"Một số trường hợp có thể giải thích được, một số khác thì không", nhà sử học, tác giả Nichole Overall nhận định sau khi điều tra nguồn gốc của hàng trăm con gấu bông bị đóng đinh trên cây dọc theo quốc lộ ngoài thủ đô Canberra.


Cây treo cốc.

Nhiều năm tìm hiểu truyền thuyết đô thị đằng sau nguồn gốc của những chú gấu, bà Overall cho rằng "đài tưởng niệm" ven đường có thể là một phần nguyên nhân xuất hiện những cái cây treo đầy gấu bông. Song, điều bà không ngờ tới là chúng "sinh sôi" quá nhanh và tồn tại cho đến bây giờ.

"Đây vẫn là hiện tượng khó lý giải", bà bày tỏ.

Mặt khác, nữ chuyên gia cho biết không phải tất cả cây treo đồ ở Australia đều có nguồn gốc bí ẩn. Chẳng hạn, "cây áo ngực" được dựng lên để tưởng nhớ một phó hiệu trưởng địa phương qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2011. Hay "cây giày" để bày tỏ lòng kính trọng mẹ chồng của Nichole Print - người đã sưu tầm hơn 3.000 đôi giày bằng sứ.

"Khi bà qua đời, chúng tôi quyết định làm điều đó để vinh danh bà. Chúng tôi đã tìm thấy cái cây hoàn hảo trên đường từ Mildura đến Adelaide, rồi đặt toàn bộ đôi giày mẹ mang lúc sinh thời cùng với giày cũ của chúng tôi lên đó", Print chia sẻ.


Cây treo mũ.

Nhìn chung, những cái cây "kỳ lạ" như thế này được mô tả là hiện tượng văn hóa phát triển vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu. "Đó là những gì mới được chú ý... Những chú gấu bông đã tồn tại gần 4 thập kỷ nhưng mọi người không biết ý nghĩa thực sự của chúng. Cho đến khi những cái cây treo đầy gấu bông xuất hiện, mọi người sẽ: 'Ồ, đó có vẻ là ý tưởng hay'", nhà sử học Overall cho biết.

Ở vùng Nam Australia, những chiếc nồi được treo lủng lẳng trên cây. Khả năng sáng tạo với cây treo đồ là vô biên khi người dân dường như "quăng" mọi thứ lên cây: cốc, thú nhồi bông, mũ và kỳ lân bằng nhựa.

Phó giáo sư John Malouff của Đại học New England ví người tạo ra những cảnh tượng thú vị ấy là một nghệ sĩ thực thụ. "Tôi thích chúng, đặc biệt là mũ và gấu bông. Ở góc độ nào đó, đây được xem là nghệ thuật công cộng", ông hào hứng bày tỏ.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Felicity Fenner - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nghệ thuật công cộng của thành phố Sydney - không đồng tình.


Cây treo bồn cầu.

"Tôi sẽ không xếp những thứ này là nghệ thuật. Mục đích của nghệ thuật là truyền tải câu chuyện hoặc trình bày vấn đề cụ thể theo những cách sáng tạo dành riêng cho nhóm đối tượng, khu vực tiếp nhận. Khi đồ chơi và vật dụng khác trên cây thịnh hành như hiện nay, chúng bắt chước lẫn nhau và xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả những khu vực không liên quan", bà nói.

Ngoài ra, bà Fenner không tán thành nhận định "mọi người đều là nghệ sĩ".

Trước sự việc, người phát ngôn của Bộ Môi trường Australia cho biết chính phủ "không có bất kỳ thẩm quyền nào liên quan đến việc trang trí từng cây xanh trên khắp đất nước", song nhiều tiểu bang và chính quyền địa phương yêu cầu giấy phép để biến đổi cây cối.

Cập nhật: 24/04/2024 Znews
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video