Nhà khoa học 104 tuổi đã từ biệt gia đình, bắt đầu chuyến đi dài hơn 14.000km để có thể… tự vẫn.
Ông David Goodall vốn là một nhà sinh thái và thực vật học nghỉ hưu từ năm 1979. Tuy nhiên, nhà học giả này vẫn là người cực kỳ có uy tín và tin cậy đến mức sau khi nghỉ hưu, các đồng nghiệp trong ngành vẫn nhờ cậy sự thông thái của ông.
Tuy nhiên, vào năm 2016, do quan ngại về tình trạng sức khỏe của vị học giả cao tuổi, trường Đại học Edith Cowan (thành phố Perth, Australia) – nơi ông Goodall làm việc với tư cách một học giả nghiên cứu danh dự - đã buộc ông phải nghỉ việc. Tuy dành chiến thắng trước tòa và giữ được công việc, ông vẫn buộc phải nghiên cứu tại một địa điểm gần nhà hơn – đồng nghĩa với việc không thể gặp gỡ và nói chuyện với các đồng nghiệp và bạn bè ở chỗ làm cũ. Ngoài ra, ông còn bị hạn chế đi lại khi không được phép lái xe.
Đại diện Exit International Carol O'Neill (trái) và nhà khoa học David Goodall. (Ảnh: Exit International).
Cảm thấy cuộc sống không còn hạnh phúc và bị mất tự do, dù không bị bệnh tật nghiêm trọng, ông Goodall vẫn quyết định bay từ Australia tới Thụy Sĩ – nơi có một cơ sở tư nhân giúp các công dân nước ngoài có thể tự vẫn.
“Khi ông bị buộc phải rời đi khỏi chỗ làm cũ. Đó là "giọt nước tràn ly" với ông ấy”, bà Carol O'Neill – đại diện nhóm vận động ủng hộ quyền được chết Exit International, đồng thời là người đồng hành cùng nhà khoa học già trên đường tới Thụy Sĩ cho biết nguyện vọng chính của ông Goodall là được chết một cách danh dự và thanh thản.
“Ông ấy là một người độc lập, ôn không muốn có người lạ bên cạnh mình 24/24 để chăm sóc. Ông muốn có những cuộc nói chuyện bổ ích với đồng nghiệp và làm những thứ bình thường như bắt xe buýt vào thị trấn”.
Trong lần sinh nhật 104 tuổi hồi tháng trước, Tiến sĩ Goodall cho hay thứ làm ông nuối tiếc nhất là lại phải đi một quãng đường dài để được chết.
“Tôi không hề hạnh phúc. Tôi chỉ muốn chết. Thực sự không có gì đáng buồn cả”, ông Goodall trả lời phỏng vấn với Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Australia.
Hiện tại, cộng đồng mạng đã gây quỹ được 15.000 USD để nhà khoa học này thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình. Theo lịch trình, ông David Goodall sẽ tới Pháp để thăm gia đình trước khi bay tới Thụy Sĩ cùng với những người thân nhất của mình.
“Gia đình tôi nhận ra rằng cuộc đời tôi buồn đau thế nào. Kết thúc càng sớm thì càng tốt”, vị Tiến sĩ nói với kênh ABC.
Theo BBC dẫn lại lời của bà O’Niell, ông Goodall đã dành những ngày gần đây để chỉnh sửa di thư của mình, nói chuyện với các thành viên trong gia đình, bao gồm cả các cháu chắt.
Được biết, lý do nhà khoa học đáng kính này quyết định tới Thụy Sĩ là do chính phủ Australia chỉ cho phép trợ tử trong trường hợp người yêu cầu đang mắc bệnh hiểm nghèo.