Chàng trai lỡ hẹn đưa người Việt bay lên tầng bình lưu

Đã 5 năm sau lần thử nghiệm thiết bị bay thành công ở Ấn Độ, giấc mơ đưa người Việt bay lên cận vũ trụ của Phạm Gia Vinh vẫn dang dở.

Ít ngày sau sự kiện lần đầu tiên Tàu vũ trụ Crew Dragon của Elon Musk chở phi hành gia lên vũ trụ, anh Phạm Gia Vinh (37 tuổi, Hà Nội), người từng chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị bay không người lái năm 2015 lại nung nấu dự định đưa người Việt bay lên vùng cận vũ trụ.

Khát vọng này từng khiến anh từ chối lời mời làm việc cho một công ty tại Pháp sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu ngành điều khiển tự động năm 2008, trở về Việt Nam lập nghiệp. Đã 5 năm trôi qua, dự định đó chưa được thực hiện với hàng loạt khó khăn, còn anh vẫn không từ bỏ ước mơ.


Anh Phạm Gia Vinh.

Nhắc chuyện cũ, anh Vinh như sống lại cảm xúc của lần thử nghiệm thiết bị bay không người lái ở Ấn Độ năm 2015. Khi đó Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển Đông Giang Việt Nam do anh sáng lập đã phối hợp cùng Công ty công nghệ InGenius (Singapore) chế tạo thiết bị bay (phi thuyền), mang theo 3 con chuột lên tầng bình lưu (vùng cận vũ trụ ở độ cao 30 km). Sau gần hai tiếng bay ở độ cao cận vũ trụ, thiết bị đã trở về an toàn trong niềm vui và hạnh phúc của nhóm nghiên cứu vì lần đầu tiên thiết bị có thể bay cao, bay lâu đến thế.

Cái tên Phạm Gia Vinh được giới khoa học trong nước và Đông Nam Á biết tới nhiều hơn sau lần thử nghiệm này. Trước thời điểm đó, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào đạt đến trần bay 30km. Thiết bị này được đánh giá ngang hàng với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo thiết bị có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ.

Để thiết bị có thể bay an toàn độ cao 30 km, mức nhiệt khoảng -50 đến -80 độ C, phần khung vỏ được nhóm chế tạo tại Bộ môn Hàng không vũ trụ, Đại học Bách khoa Hà Nội. Phi thuyền sử dụng vật liệu là sợi carbon, nhôm hợp kim, giúp cho khối lượng nhẹ nhất có thể mà vẫn mang được vật nặng tới một tấn.

Điểm khác biệt trong thiết bị này là vị trí hạ cánh của khoang độ bộ không sử dụng dù hỗ trợ như một số sản phẩm cùng loại của công ty khác trên thế giới. Nhóm nghiên cứu phát triển hệ thống điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50-80 km với sai số dưới 50 m, hạn chế ảnh hưởng tới người và các công trình mặt đất. "Việc nhóm không cải tiến mà làm mới, khác thiết bị khẳng định một nước đang phát triển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ như Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những kỹ thuật mới, phức tạp", anh Vinh chia sẻ.


Kiểm tra an toàn trước khi bay thử nghiệm tại Australia năm 2019.

Thiết bị bay không người lái của nhóm được phóng thành công là cơ sở để ứng dụng bay nhằm mục đích vận chuyển hàng không, mang theo các thiết bị khoa học khác, đưa người hoặc động vật lên phục vụ nghiên cứu, cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của Trái Đất hay đường đi của các cơn bão và du lịch vũ trụ. Từ đây, những hy vọng một ngày nào đó có thể mang thiết bị về nước trình diễn, để chứng minh rằng Việt Nam cũng có thể làm chủ công nghệ, không thua kém gì các nước khác, chưa bao giờ mãnh liệt trong anh đến vậy.

"Nếu thiết bị bay này được thử nghiệm tại Việt Nam, ngoài việc phục vụ nghiên cứu khoa học vũ trụ, đây sẽ cơ sở để nhóm có thể thành lập một trung tâm bay dịch vụ trong nước, mở ra nhiều cơ hội giao lưu với nước ngoài trong lĩnh vực hàng không vũ trụ", anh Vinh cho biết.

Khi đó anh nhiều lần bày tỏ mong muốn và đề xuất kế hoạch đưa thiết bị bay không người lái về Việt Nam trình diễn, xin được cấp phép bay và nghiên cứu trong nước. Ủng hộ đề xuất này, tháng 7/2015, Văn phòng Chính phủ từng có công văn gửi Bộ Quốc phòng nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xem xét, cấp phép bay thử nghiệm, trình diễn sản phẩm. Thế nhưng kể từ đó đến nay nhóm chế tạo thiết bị vẫn chưa được cấp phép bay thử nghiệm và tác giả cũng không nhận được phản hồi lý do vì sao.

Anh tự lý giải: "Có thể đây là thiết bị thử nghiệm nên những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng nếu vậy, lẽ ra tôi phải gặp khó khăn hơn khi xin phép bay ở Ấn Độ và Australia".


Thiết bị bay đưa người lên tầng bình lưu và hạ cánh an toàn tại Australia trong đợt thử nghiệm năm 2019. (Ảnh: NVCC).

Năm 2019, anh Vinh hợp tác với công ty tư nhân của Singapore, đưa người Singapore đầu tiên bay lên tầng bình lưu, thử nghiệm tại Australia. "Phải tìm cách bay thử nghiệm ở nước ngoài cũng là giải pháp bất đắc dĩ. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn mong được thử nghiệm ngay tại Việt Nam", anh nói và cho biết, suốt 12 năm nghiên cứu và chế tạo thiết bị, anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ giấc mơ một ngày nào đó có thể đưa người Việt Nam đầu tiên bay vào vùng cận vũ trụ trên chính thiết bị bay do anh tạo ra.

Hàng năm, anh và nhóm nghiên cứu vẫn tiến hành bay thử nghiệm, từ đó cải tiến và nâng cấp công nghệ. "Việc thử nghiệm bay ở Việt Nam chắc sẽ là một quá trình dài nhưng nhóm sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi", anh nói và cho biết nhóm cũng đang trong quá trình chế tạo thiết bị tàu ngầm không người lái, phục vụ nghiên cứu đại dương và dịch vụ thương mại.

Cập nhật: 07/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video