Chất độc trong búp bê trái cây nguy hại thế nào?

Thông tin phát hiện chất độc hại phthalate gây ung thư trong các loại búp bê đầu trái cây có xuất xứ Trung Quốc đã khiến người dùng Việt hoang mang. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, có lẽ không có nhiều người biết chất phthalate là gì và nó nguy hại tới mức nào?

Chất phổ biến

Trên thực tế, phthalate là một nhóm chất hóa học rất thông dụng đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nhựa PVC. Các chất phthalate được sử dụng để thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu. Nó có thể làm cho nhựa cứng hơn, dẻo hơn, trong suốt hơn hoặc làm cho sơn cứng hơn tùy theo loại phthalate được sử dụng.

Nhờ tính chất này, phthalate xuất hiện một cách phổ biến trong các đồ dùng hàng ngày của con người, từ nội thất ô tô, gạch lát sàn, sơn, dụng cụ y tế, áo mưa, đồ chơi trẻ em, sản phẩm đóng gói thực phẩm, dung môi làm bóng móng cho tới các loại mỹ phẩm khác… Gần như sản phẩm nào ứng dụng công nghệ nhựa PVC thì phthalate cũng sẽ có mặt.

Sự ra đời của phthalate do vậy cũng gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa PVC. Vào những năm 1920, sự phát triển của chất Di (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP, một loại chất thuộc nhóm phthalate) đã thay thế cho chất long não đang được sử dụng nhưng để lại mùi rất nồng và khó chịu và tạo nên sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp nhựa PVC.

Mặc dù được trộn vào nhựa tuy nhiên, phthalate lại không tạo ra các liên kết hóa trị với phân tử nhựa. Vì thế, phthalate rất dễ bị giải phóng ra ngoài môi trường. Tốc độ giải phóng của phthalate ra môi trường càng nhanh hơn khi các sản phẩm nhựa bị phân giải hoặc dùng lâu theo thời gian.

Chính vì tính chất này, phthalate dễ dàng xâm nhập thực phẩm của con người khi chế biến, nấu ăn, đóng gói thực phẩm bằng các sản phẩm từ nhựa.

Là một hóa chất được sử dụng phổ biến, dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm trong cuộc sống thường ngày, tuy nhiên, phthalate cũng là một chất rất nguy hiểm với sức khỏe của con người.


Các loại búp bê Trung Quốc bán tràn làn trên thị trường đều có chứa chất phthalate độc hại.

Nhưng độc hại

Vào năm 2008, một nghiên cứu của Bungaria cho thấy, nồng độ chất DEHP trong không khí phòng của những trẻ em mắc chứng hen suyễn và quá mẫn cảm cao hơn nhiều so với những trẻ em khỏe mạnh khác. “Nồng độ DEHP và chứng hen suyễn ở trẻ em có mối liên quan rất rõ ràng”, tác giả của nghiên cứu này nói.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, một nghiên cứu của trường Y tế cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia, Mỹ cho biết, phthalate có thể gây hại cho sự phát triển trí não, phát triển hành vi và sự phối hợp giữa các cơ ở trẻ em.

Một nghiên cứu khác của Canada vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng chỉ ra rằng, trẻ em tiếp xúc nhiều hơn với phthalate so với người lớn. Theo khảo sát, trẻ sơ sinh tiếp xúc với khoảng 9 microgam/ mỗi kg cân nặng/ ngày còn người lớn chỉ tiếp xúc khoảng 6 microgam/mỗi cân nặng/ngày.

Theo các chuyên gia, trẻ em nằm viện là cũng những đối dễ bị ảnh hưởng của chất phthalate nhất. Trong các thiết bị y tế, các ống dẫn y tế có chứa từ 20-40% DEHP trọng lượng thiết bị. Các thiết bị này thường xuyên được làm nóng (do quá trình điều trị hoặc thân nhiệt) sẽ khiến chất DEHP dễ giải phóng ra môi trường.

Vào năm 2008, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Đan Mạch (EPA) phát hiện trong cục tẩy rất nhiều các loại phthalate đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, nếu trẻ em liên tục hít hoặc nhai các cục tẩy này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em, chất phthalate gây ra rất nhiều nguy cơ đối về sức khỏe đối với phụ nữ do thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa mỹ phẩm, loại sản phẩm chứa rất nhiều phthalate.

Theo một nghiên cứu của Davis (1994) và Lopez Carillo (2010) thì có một mối liên hệ rất rõ ràng giữa việc tiếp xúc với phthalate với bệnh ung thư vú do rối loạn nội tiết gây ra.

Ngoài ra, nhiều bằng chứng còn cho thấy, phthalates còn làm giảm testosterone (kích thích tố sinh dục nam), một chất quan trọng cho việc phát triển giới tính nam.

Nhiều nước cấm

Hiện tại trên thế giới vẫn có những tranh cãi trái chiều về chất phthalate và về việc có nên cấm tuyệt đối sử dụng chất này này hay không. Tuy nhiên, tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu, Mỹ hay Australia từ năm 1999 đã có các quy định chặt chẽ về việc sử dụng các loại chất phthalate trong việc sản xuất đồ chơi trẻ em cũng như các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Từ năm 1999 tới nay, Liên minh Châu Âu liên tục đưa ra các quy định hạn chế sử dụng chất phthalate trong đồ chơi trẻ em. Trong đó, các chất DEHP, BBP và DBP đều bị hạn chế sử dụng trong đồ chơi trẻ em. Các chất DINP, DIDP hay DNOP chỉ được phép sử dụng hạn chế trong các sản phẩm đồ chơi nhập khẩu.

Quy định của Liên minh Châu Âu chỉ rõ, hàm lượng chất phthalate không được phép cao hơn 0,1% phần dẻo của đồ chơi. Tuy nhiên, quy định của Liên minh Châu Âu chưa hạn chết sử dụng phthalate trong các sản phẩm khác.

Tại Mỹ, vào tháng 8/2008, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA), trong đó có những điều luật quy định rõ về việc sử dụng hàm lượng các chất phthalate trong đồ chơi trẻ em sản xuất tại Mỹ và nhập khẩu vào nước Mỹ. Theo đó, hàm lượng các chất phthalate trong đồ chơi trẻ em bắt buộc phải dưới 0,1% trọng lượng của đồi chơi đó.

Từ năm 2009, các chất phthalate cũng bị hạn chế sử dụng trong các đồ chơi trẻ em tại California của Mỹ.

Tại Australia, vào 1/2010, chính quyền Australia cũng ban hành lệnh cấm các sản phẩm có hàm lượng chất phthalate cao hơn 1% do chất này có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video