Nhà vật lý người Mỹ gốc Việt Nguyễn Trọng Hiền, thành viên khoa học của BICEP, một công trình nghiên cứu của Berkeley, Caltech, Jet Propulsion Laboratory (NASA) và UC San Diego hiện đang tham gia một dự án nghiên cứu mới tại Nam Cực.
Phòng thí nghiệm có một không hai trên trái đất
Nhắc đến Nam Cực, người ta đã hình dung ra thời tiết vô cùng lạnh giá và điều kiện làm việc khắc nghiệt?
Đúng đấy. Nam Cực là hơi lạnh nhất, cao nhất và khô nhất. Do trục quay của trái đất lệch 23.5 độ so với mặt phẳng quỹ đạo quanh mặt trời, hai vùng cực Bắc và Nam của trái đất có 6 tháng ban ngày liên tục và tiếp nối bằng 6 tháng ban đêm.
Về mùa đông, nhiệt độ xuống rất thấp, có lúc xuống dưới – 75 độ C. Nếu kể thêm ảnh hưởng của gió, nhiều khi còn lạnh hơn rất nhiều. Vùng biển xung quanh Nam Cực sẽ đóng băng (nâng diện tích Nam Cực lên gấp đôi), không một tàu bè nào đi lại được.
Trong điều kiện này, máy bay sẽ khó vận hành và nếu có vận hành, cũng không đảm bảo an toàn.
Vì thế, khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 10 hằng năm, phần lớn cư dân trên tất cả các trạm sẽ phải rời Nam Cực, chỉ để lại một ít người trông coi và ngừng tất cả mọi hoạt động ra vào.
Mỗi trạm có một đội phục vụ để lo các vấn đề sinh hoạt hằng ngày. Mỗi thí nghiệm đều cử một, hai người ở lại trông nom và vận hành thiết bị.
Tại trạm Amundsen- Scott nơi tôi đang thực hiện thí nghiệm, về mùa hè có hơn 250 người sinh sống tại đây, đa phần là nhân viên phục vụ và xây dựng, các nhà khoa học thường chỉ chiếm một số lượng nhất định. Về mùa đông, chỉ còn chừng 60 người.
Nhà vật lý Nguyễn Trọng Hiền tại Nam Cực 1/2007 |
Đó là việc phát hiện ra lỗ hổng ozon giúp cảnh báo về hiện tượng nóng lên toàn cầu, công cuộc tìm hiểu về sự hình thành của vũ trụ, và những khảo sát về sinh vật học tại môi trường khắc nghiệt của Nam Cực - điều này liên quan đến việc xác định sự tồn tại cuộc sống ngoài trái đất...
Cơ sở hạ tầng hiện nay tại Nam Cực phát triển như thế nào, thưa anh?
Từ chuyến trở về định mệnh của những nhà thám hiểm người Anh đến nay đã gần một trăm năm. Đời sống của những cư dân Nam Cực đã tiến triển vượt bậc.
Từ những phương tiện thô sơ mà các nhà thám hiếm tiên phong với mục đích để cầm cự, chỉ hơn 4 thế hệ sau, Nam Cực là một căn cứ khoa học với những cơ sở hạ tầng tối tân.
Trạm mới nơi chúng tôi ở là một toà nhà liên hợp đầy đủ tiện nghi (phòng họp, nhà ăn, phòng tập thể dục, mỗi phòng ngủ có điên thoại và internet....) cho 150 cư dân, có thể đi lại mà không cần mặc áo lạnh.
Chỉ được tắm 2 phút
Đã có bao nhiêu người Việt Nam đặt chân tới đây và từ khi nào?
Người Việt chúng ta đã có mặt ở Nam Cực ít nhất cũng đã gần hai mươi năm. Trong danh sách của công ty thầu NSF hiện nay, tôi thấy có trên dưới mười người Việt, nhưng không rõ họ có công tác tại đây hay không.
Tôi được biết có ít nhất 3 người đã đến làm việc tại Nam Cực. Người đầu tiên có lẽ là anh Bùi Hiền, nhân viên truyền thông đã ở qua mùa đông năm 1989. Bản thân tôi cũng đã ở qua mùa đông 1994 với vai trò Chỉ đạo khoa học và đại diện của Cơ quan Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ.
Người Việt thứ ba đã ở qua mùa đông là chị Tạ Thị Xuân vào năm 2004 và hiện chị vẫn còn tiếp tục công tác ở đây với cương vị thanh tra kỹ thuật.
Mọi sinh hoạt ở Nam cực diễn ra như thế nào?
Nước ở Nam Cực là lấy từ nước đá, người ta làm nước đá tan ra để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, vì thế rất hạn chế.
Ở đây mọi người chỉ được tắm một tuần hai lần và mỗi lần được hai phút. Mỗi tuần mọi người chỉ được giặt quần áo một lần. Đây là qui định khá nghiêm ngặt và hoàn toàn tự giác.
Trong các đài thiên văn trên thế giới mà tôi đã từng đi qua, có lẽ thức ăn ở Nam Cực (Trạm Amundsen- Scott) là ngon nhất. Người ta chọn lựa đầu bếp và thức ăn cho Nam Cực rất kỹ lưỡng.
Điều này quan trọng bởi hai lẽ. Thứ nhất, ở Nam Cực chẳng có gì làm cả, thành ra bữa ăn ngon miệng làm con người rất phấn chấn. Thứ hai, giá thành của thức ăn, ngay cả những thức ăn đắt tiền như tôm hùm, thịt bò filet minon cũng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí chuyên chở.
Do đó, việc mua thức ăn ngon không là vấn đề. Có nghĩa là, thực phẩm ngon và đắt tiền thì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách của trạm.
Ngoài các nghiên cứu khoa học, Nam Cực có tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao gì không?
Có chứ. Ở đây cũng có liên hoan phim. Nó được tổ chức vào tháng Giêng. Năm 2006 có một nhóm làm phim hài với tựa đề Hai phút. Đó chính là câu chuyện vui về qui định tắm hai phút này.
Cứ vào khoảng sau Giáng sinh, Nam Cực có cuộc chạy đua “Vòng quanh thế giới”, một đường tròn dài chừng 3km vòng quanh Nam Cực.
Vì áp suất không khí chỉ bằng 2/3 mức áp suất ở mực nước biển, cho nên thắng cuộc đua này không phải dễ. Tôi đã từng về…. chót cuộc chạy đua hồi năm 1992 (năm ấy có hơn 150 người tham gia).
Và công việc nghiên cứu đợt này của anh là gì?
Là thành viên của thí nghiệm BICEP, tôi đảm nhiệm công việc chế tạo thiết bị và thử nghiệm hệ cảm biến (máy chụp ảnh) của BICEP. BICEP đã vận hành tốt được một năm tại Nam Cực.
Đợt này xuống đây, tôi cùng đồng nghiệp thu thập thêm các thông số kỹ thuật để giúp cho việc phân tích dữ kiện thiên văn và chuẩn bị BICEP vào một mùa quan trắc mới.
Cảm ơn anh!
Lan Anh thực hiện