Châu Á chạy đua lên Mặt trăng

Tháng 9 Nhật Bản đưa một trạm quỹ đạo lên mặt trăng. Tháng 10 Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò mặt trăng đầu tiên của mình. Ấn Độ đã có kế hoạch bám theo. Hàn Quốc lại mới tuyên bố: "Mặt trăng là mục tiêu!".

Kế hoạch đầy tham vọng

Hôm 21/11, Hàn Quốc đã chính thức tuyên bố chương trình thám hiểm không gian của mình. Một kế hoạch trong chương trình đó là phóng một phi thuyền thám hiểm mặt trăng vào năm 2025. Theo tờ Korea Times, Bộ Khoa học và công nghệ Hàn Quốc tuyên bố: "Chúng tôi có kế hoạch phóng một vệ tinh lên quỹ đạo quanh mặt trăng vào năm 2020 và cho một trạm thăm dò đáp xuống bề mặt mặt trăng vào năm 2025. Đến năm 2017 chúng tôi sẽ chế tạo được tên lửa lực đẩy 300 tấn bằng những công nghệ riêng của chúng tôi và tham gia những nỗ lực thám hiểm không gian toàn cầu".

Lộ trình thám hiểm không gian của Hàn Quốc thể hiện một hướng chuyển đổi trong các chương trình không gian của nước này - chuyển từ việc tập trung phát triển các tên lửa nhỏ như hiện nay sang các hoạt động thám hiểm không gian quy mô lớn cho tương lai. Kế hoạch này đã được chuẩn bị chi tiết sau khi Bộ Khoa học và công nghệ Hàn Quốc hoàn tất đề án cho các chương trình hoạt động sau năm 2016.

Mặt trăng trở thành mục tiêu của cuộc chạy đua không gian ở châu (Ảnh; SGTT)

Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện các công nghệ vệ tinh của mình và tiến hành các nghiên cứu cơ bản về thám hiểm không gian từ giờ cho đến năm 2016. Bắt đầu từ 2017, các chương trình thám hiểm không gian đa dạng, bao gồm việc chế tạo phi thuyền, sẽ được tiến hành. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tiếp tục nỗ lực đào tạo phi hành gia, sau chuyến bay vào không gian của phi hành gia đầu tiên của nước này là Ko San dự kiến vào tháng 4/2008.

Cũng từ năm 2017, Hàn Quốc sẽ bắt đầu thám hiểm mặt trăng cùng các hành tinh khác. Hàn Quốc sẽ xây dựng các cơ sở phóng tên lửa để hỗ trợ việc thám hiểm không gian và đưa những phi thuyền có người lái lên vũ trụ.

Ko San - chuyên viên robot của tập đoàn Sam Sung được tuyển chọn để huấn luyện thành phi hành gia đầu tiên của Hàn Quốc. Ko San sẽ được bay lên trạm không gian quốc tế ISS vào tháng 4/2008 (Ảnh: SMS)

Cuộc đua của các ông lớn

Cuộc đua không gian của châu Á bắt đầu nóng lên sau khi Trung Quốc phóng vệ tinh Hằng Nga 1 lên quỹ đạo mặt trăng hôm 24/10. Một tháng trước đó Nhật Bản đã phóng trạm quỹ đạo mặt trăng đầu tiên của mình mang tên Selene. Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng cho một trạm mặt trăng tương tự sẽ phóng vào năm tới. Những ông khổng lồ của châu Á đang tranh giành vị trí xa hơn bầu khí quyển địa cầu.

Những vệ tinh bay quanh quỹ đạo mặt trăng của các ông khổng lồ châu Á hiện nay tất cả đều được thiết kế để tìm hiểu kỹ càng hơn về khí quyển và bề mặt mặt trăng. Các quan chức ở ba cường quốc không gian châu Á đều nhanh chóng khẳng định: hoàn toàn không có mục đích quân sự. Nhưng trong một lĩnh vực mà những tiến bộ công nghệ dân sự dễ dàng ứng dụng cho quân sự thì các nước này đều theo dõi sát những bước tiến của nhau.

Bates Gill, giám đốc Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm nhận định trên tờ Science Chrisrtian Monitor: "Như thế có nghĩa là nhiều cạnh tranh hơn vì những vấn đề an ninh quốc phòng liên quan đến cả ba nước này. Do liên quan đến quân sự, sẽ khó lòng có sự hợp tác thật sự vì khoa học không gian".

Phi thuyền Thần Châu 6 của Trung Quốc mang vệ tinh Hằng Nga 1 đã được phóng lên ngày 24/10 vừa qua (Ảnh: SGTT)

Ấn Độ đang căng thẳng vì những ý định không công bố của Trung Quốc sau một loạt vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh của Bắc Kinh vào cuối tháng 1.2007. Trung Quốc lại lo ngại mối hợp tác quốc phòng bằng tên lửa giữa Nhật Bản và Mỹ có khả năng đe doạ những quyền lợi của Trung Quốc. Nhật lại giật mình về khả năng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Các chương trình không gian của châu Á nói chung đều được thúc đẩy bởi một "chủ nghĩa dân tộc công nghệ" (technonationalism), chúng tạo ra niềm tự hào trong nước và thể hiện khả năng đối với thế giới. Ouyang Ziyuan - nhà khoa học chính của chương trình mặt trăng Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của tờ Nhân Dân Nhật Báo: "Việc thám hiểm không gian phản ánh sức mạnh toàn diện của dân tộc và có tầm quan trọng trong việc nâng cao uy tín quốc tế và tăng cường đoàn kết dân tộc". Nhưng các chương trình không gian cũng thúc đẩy nhiều ngành công nghệ cao - từ thiết kế tên lửa, định vị toàn cầu, viễn thông...

Những thách thức ấy cũng rất quan trọng đối với Ấn Độ, nơi cộng đồng khoa học nước này đang tìm kiếm những biên cương mới khi chương trình hạt nhân của New Delhi lúc này đã hoàn thiện. Swapna Kona - nhà phân tích của Viện Nghiên cứu hoà bình và xung đột ở New Delhi khẳng định: "Con đường mới duy nhất để phát triển khoa học - công nghệ chính là khoa học không gian".

Ở Nhật, khoa học không gian chính là lời hứa hẹn của quyền tự chủ. Akinori Hashimoto - người phát ngôn của Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAEA) cho biết: "Nhật Bản cần nắm chắc những phương tiện phóng vệ tinh của riêng mình. Hiện nay, chúng ta không thể phóng vệ tinh bất cứ lúc nào ta muốn và luôn lo ngại về chuyện rò rỉ thông tin".

Ấn Độ có kế hoạch phóng trạm mặt trăng Chandrayaan vào năm 2008

Nhật Bản đã châm ngòi cho cuộc đua lên trăng (Ảnh: SGTT)

Tài sản của tương lai

Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đều tập trung vào mặt trăng vì cự ly gần và tính khả thi cao. Và mặt trăng là bước lôgic đầu tiên để tiến tới thám hiểm các hành tinh. Nhiều quan chức nhìn thấy những phần thưởng thực tế bên ngoài những tri thức khoa học sẽ gặt hái được trong quá trình lập bản đồ và phân tích bề mặt mặt trăng. Chẳng hạn, mặt trăng được cho rằng giàu chất Helium-3 có thể sử dụng cho các phản ứng hợp hạch (nuclear fusion) để tạo ra năng lượng. Trạm mặt trăng Chandrayaan của Ấn Độ sẽ phóng vào tháng 4.2008 cũng như vệ tinh Hằng Nga 1 của Trung Quốc đều dò tìm Helium-3.

Trạm mặt trăng SELENE của Nhật

Chắc chắn, những mục tiêu tương tự cũng nằm trong tầm ngắm của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chương trình không gian đầy tham vọng của Hàn Quốc vẫn chưa có cơ sở pháp lý để tiến hành vì đó chỉ là lộ trình cho một tầm nhìn sau năm 2016. Chừng nào các kế hoạch của Bộ Khoa học và công nghệ Hàn Quốc được chính phủ chính thức chuẩn y và phân bổ ngân sách thì lúc đó mới có thể xúc tiến. Những tuyên bố có phần hấp tấp về kế hoạch không gian của Hàn Quốc dường như bị chi phối bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng của ba ông lớn Nhật-Trung-Ấn.

Trên báo điện tử NewScientist. com, nhà khoa học Paul Spudis của phòng vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ, người chế tạo các hệ thống radar cho trạm mặt trăng Chandrayaan của Ấn Độ, lại có một cái nhìn khác về cuộc đua lên mặt trăng này. Ông nói: "Tôi xem cuộc đua lên mặt trăng này - hay nếu anh muốn, thì cả những cuộc đua trong thái dương hệ - lại là cuộc đua của những nền triết học cạnh tranh hơn là cuộc đua của các quốc gia".


Trạm mặt trăng SELENE của Nhật (Ảnh: SGTT)

Trần Ngọc Đăng

Theo Sài Gòn tiếp thị
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video