Các nhà khoa học dự đoán châu Mỹ và châu Á sẽ gặp nhau tại Bắc Cực trong khoảng thời gian từ 50 tới 200 triệu năm nữa để tạo thành lục địa mới.
Sự vận động của vỏ địa cầu khiến các lục địa di chuyển liên tục. Giới địa chất tin rằng, trong vài tỷ năm qua, sự dịch chuyển của các lục địa khiến chúng hợp nhất rồi chia tách theo chu kỳ. Một giả thuyết cho rằng các lục địa từng hợp nhất thành một lục địa cách đây 1,8 tỷ, một tỷ và 300 triệu năm trước.
Hình minh họa các lục địa hội tụ thành một siêu
lục địa cách đây 300 triệu năm. (Ảnh: BBC)
Các nhà địa chất của Đại học Yale tại Mỹ dự đoán lần hội tụ tiếp theo của các lục địa sẽ bắt đầu với việc châu Mỹ và châu Á sáp nhập để tạo thành một lục địa mới. Giới khoa học muốn gọi lục địa mới là Amasia.
“Mô hình của chúng tôi cho thấy Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ chập vào nhau do biển Caribbe biến mất. Sau đó Bắc Băng Dương biến mất khiến châu Mỹ và châu Á gặp nhau”, Ross Mitchell, một nhà địa chất của Đại học Yale, nói với BBC.
Sau khi sáp nhập với châu Á, châu Mỹ sẽ nằm ngay phía trên Vành đai lửa Thái Bình Dương – khu vực chứng kiến tới 70% trận động đất và núi lửa trên hành tinh. Châu Âu, châu Phi và Australia cũng sẽ chập vào siêu lục địa mới. Nam Cực là lục địa duy nhất không tham gia quá trình hội tụ.