Chỉ có 3 người từng đến được Challenger Deep - điểm sâu nhất của đại dương. Nhưng một chiếc tàu ngầm mới của hãng Triton Submarines sẽ giúp bạn và nhiều người khác đến được độ sâu gần 11km dưới mặt nước biển này.
Mười hai người đã từng bước đi trên Mặt Trăng, nhưng chỉ có ba người dám mạo hiểm đến vực thẳm Challenger Deep của rãnh Mariana, điểm sâu nhất dưới đáy đại dương. Tuy nhiên hãng sản xuất tàu ngầm Triton Submarines có trụ sở ở Florida đang tìm cách giúp nhiều người hơn tiếp cận độ sâu này bằng hệ thống tàu ngầm trị giá 48,2 triệu USD của mình.
Tàu ngầm Triton 36,000/2 Hadal Exploration System sẽ di chuyển đến những nơi sâu nhất của từng đại dương trên thế giới. Theo Triton thì đây là tàu ngầm thương mại duy nhất được chứng nhận có thể thực hiện những hành trình liên tục đến độ sâu 11km dưới đáy đại dương.
Những chuyến hành trình trước đây đến Challenger Deep đều là những chuyến đi chỉ thực hiện một lần trong đời: hai nhà thám hiểm đã đến điểm sâu này trong một nhiệm vụ vào năm 1960, và nhà làm phim James Cameron đã thực hiện hành trình xuống đấy một lần vào năm 2012.
Tàu ngầm Triton 36,000/2 có thể chứa được 2 người và tàu hỗ trợ DDSV Pressure Drop 68m sẽ chứa 47 hành khách và thuỷ thủ đoàn. Tàu hỗ trợ nặng 2.000 tấn và có một phòng thí nghiệm với tủ đông để bảo quản vật mẫu.
Sau khi thử nghiệm trên biển ở độ sâu 5km tại Bahamas mùa hè vừa qua, tàu ngầm đã được bàn giao cho chủ nhân mới, công ty Caladan Oceanic.
Triton 36.000/2, nặng 11,2 tấn, có thể trượt theo chiều dọc xuống tới độ sâu 10km trong chưa đầy 2,5 giờ. Tàu ngầm này nhẹ hơn nhiều so với các phiên bản trước đây với 10 động cơ điện cho phép nó di chuyển theo bất kỳ hướng nào.
Thân tàu titan chịu áp lực dày 8,9cm của nó được chế tạo bằng kỹ thuật luyện kim tiên tiến và Triton đã thử nghiệm tàu ở Nga với các điều kiện tương đương ở độ sâu 13km, hoặc lớn hơn 20% so với điểm sâu nhất của đại dương.
Victor Vescovo của Caladan Oceanic, nhà sáng lập đoàn thám hiểm và là trưởng nhóm lái tàu ngầm, cho biết tại một cuộc họp báo rằng tàu ngầm được chế tạo bằng titan thay vì thủy tinh bởi ông tin rằng vật liệu thuỷ tinh có khả năng gây ra những nguy hiểm không lường trước được.
Tàu ngầm của Triton sẽ đi đến điểm sâu nhất của mỗi đại dương và một tàu hỗ trợ 68m sẽ đi cùng nó trong suốt hành trình.
Bên trong tàu ngầm có thể điều khiển nhiệt độ và độ ẩm này, các lái tàu có thể nghỉ ngơi trên ghế da, sử dụng bốn camera và quan sát đại dương qua ba cửa nhìn.
Tại buổi họp báo, kỹ sư thiết kế trưởng John Ramsey cho biết nhóm của ông đã tập trung vào những tính năng an toàn vì nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, cơ hội để có thể giải cứu nhanh chóng một người ở độ sâu gần 11km dưới đáy biển là zero.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ để tàu ngầm có thể tống đi những thứ bị mắc vào chướng ngại vật, vì vậy tất cả các bộ đẩy và tay lái có thể được phóng ra và bỏ lại dưới đấy biển. Nguồn điện cũng có thể bỏ đi", Ramsey nói.
Nếu tất cả 12 nguồn điện bị hư hại, trọng lượng dằn chính của tàu ngầm sẽ được đẩy ra để đưa tàu quay trở lại mặt nước. Triton đã thiết kế để tàu ngầm dễ dàng tồn tại 12 giờ dưới nước.
Tàu ngầm mới của Triton cũng bao gồm một số tính năng hỗ trợ sự sống. Hai người trong tàu sẽ có đủ oxy trong bốn ngày và tàu cũng có các bộ hấp thụ loại bỏ khí CO2. Lửa vẫn là một rủi ro tiềm tàng, dẫu cho các nhà thiết kế đã tạo ra một hệ thống hỗ trợ sự sống theo kiểu analog, tức chúng không thể bị tắt ngay cả khi xảy ra sự cố điện.
Patrick Lahey, chủ tịch của Triton, cho biết trong cuộc họp báo rằng thực hiện chuyến lặn trong tàu ngầm mới sẽ là một trải nghiệm "yên bình".
"Một khi bạn chìm xuống nước, nó sẽ rất tuyệt vời. Yên tĩnh và đầy thoải mái", Lahey nói. "Không có cảm giác bồng bềnh, và thực sự không gì tuyệt vời hơn là nhìn qua các khung kính đầy ánh sáng trong lúc lặn".