Chim cánh cụt cảnh báo hiện trạng của các đại dương trên thế giới

Giống như hình ảnh con chim kim tước trong câu thành ngữ “con chim kim tước trong một mỏ than” (canary in the coal mine), loài chim cánh cụt cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo thảm họa tiềm tàng tại các đại dương trên thế giới. Theo chuyên gia bảo tồn sinh học thuộc đại học Washington, nguyên nhân không chỉ có thay đổi khí hậu.

Theo Dee Boersma – giáo sư sinh học thuộc đại học Washington đồng thời là chuyên gia nghiên cứu các loài chim không biết bay: ô nhiễm dầu, suy giảm nguồn cá, các hình thức phát triển bờ biển tràn lan cùng với khí hậu Trái Đất dần nóng lên đang đe doạ môi trường sinh sống của nhiều loài chim cánh cụt khiến quần thể của chúng thu hẹp nhanh chóng.

Bà cho biết: “Chim cánh cụt nằm trong số các loài cho chúng ta thấy chúng ta đang gây ra những biến đổi lớn cho thế giới của mình. Số phận của các loài là bị tuyệt chủng. Nhưng sẽ có một số loài bị tuyệt chủng trước khi thời đại của chúng chấm dứt. Và chúng ta đang phải đối mặt với thực tế rằng loài chim cánh cụt đang có nguy cơ đó”.

Trong một bài báo đăng tải trên số ra tháng 7 – 8 tờ BioScience, Boersma nhấn mạnh rằng có 16 đến 19 loài chim cánh cụt đa số sinh sống tại 43 địa điểm toàn bộ thuộc về bán cầu nam. Nhưng chúng ta vẫn biết rất ít về thế giới của loài chim cánh cụt, ngay cả xu hướng phát triển quần thể của chúng vẫn còn nằm trong bức màn bí ẩn. Kết quả là chỉ có một số ít người nhận ra quần thể của chúng đang suy giảm nhanh chóng.

Boersma cho rằng những con chim cánh cụt giữ vai trò lính gác đối với thay đổi của môi trường. Bà ủng hộ nỗ lực toàn cầu nhằm khảo sát thường xuyên những bầy chim cánh cụt lớn nhất của mỗi loài, ít nhất cứ 5 năm một lần, để tìm hiểu hiện trạng quần thể của chúng, mối đe dọa nguy hiểm nhất với chúng là gì, cũng như những thay đổi báo hiệu tình trạng của đại dương ra sao.

“Chúng ta phải hiểu được thế giới ta đang sống và phụ thuộc. Các chính phủ phải có trách nhiệm thu thập thông tin giúp chúng ta nhận thức và thực hiện. Nhưng nếu Chính phủ không thể đảm trách công việc thì chúng ta phải cần đến các tổ chức phi Chính phủ tiến hành”.

Nước mưa thấm ướt bộ lông chú chim cánh cụt Adélie con tại Nam Cực trước khi bộ lông của nó có khả năng chống nước. Mặc dù lục địa băng giá thực chất là một nơi lý tưởng cho bầy chim cánh cụt, nhưng khí hậu thay đổi đã gây mưa nhiều hơn trên các bờ biển. (Ảnh: Dee Boersma)


Trong suốt 25 cộng tác với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã và các cộng sự thuộc đại học Washington, Boersma đã nghiên cứu bầy chim cánh cụt Magellanic đông nhất thế giới tại Punta Tombo trên bờ biển Đại Tây Dương khu vực quốc gia Achentina. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1980, bầy chim cánh cụt đạt số lượng cá thể tối đa vào khoảng 400.000 cặp. Nhưng quần thể ngày nay của chúng chỉ bằng một nửa so với trước.

Tình trạng cũng tiếp diễn tương tự ở các khu vực khác. Chim cánh cụt Châu Phi giảm từ 1,5 triệu cặp vào thời điểm một thế kỉ trước đây xuống còn 63.000 cặp vào ăm 2005. Số lượng chim cánh cụt sống trên đảo Galapagos – loài duy nhất có lãnh thổ trải dài đến tận bán cầu bắc, giảm xuống còn khoảng 2.500 con, chỉ bằng một phần tư quần thể khi Boersma lần đầu tiên nghiên cứu vào thời điểm những năm 1970.

Số lượng chim cánh cụt Adélie và Chinstrap sống trên bán đảo Nam Cực – khu vực nằm ở cực bắc của châu lục, đã giảm 50% kể từ giữa những năm 70. Theo Boersma, các loài khác tại Châu Phi, Nam Mỹ, Australia, New Zealand, đảo Falklands và Nam Cực cũng chịu chung tình cảnh này.

Bà nhớ lại thời điểm năm 2006 khi mà những biến đổi thất thường của khí hậu đã gây nên thảm họa cho hoạt động sinh sản của bầy chim cánh cụt hoàng đế. Sự kiện đã được khắc họa trong bộ phim rất nổi tiếng ra mắt năm 2005 “March of the Penguins” (tạm dịch là “Cuộc hành quân của bầy chim cánh cụt”). Bầy cánh cụt sinh sản tại cùng một địa điểm hàng năm nơi khối băng được đại dương che chở, còn những cơn gió ngăn tuyết không vùi lấp, làm tê cóng những quả trứng. Nhưng vào tháng 9, khi những con chim cánh cụt con mới chỉ trải qua một nửa giai đoạn phát triển của chúng, những con chim trưởng thành đã cảm nhận được hiểm nguy. Cả bầy bất ngờ hành quân hơn 3 dặm đến một khối băng khác. Khối băng mà chúng chọn là khối lớn nhất, vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng đến cuối tháng 9, một cơn bão lớn đã khiến tảng băng duy nhất còn lại sụp đổ. Chim cánh cụt con buộc phải chìm nổi dưới nước. Trong khi chim trưởng thành có thể sống sót thì chim con phải cần đến hơn 2 tháng nữa để giúp bộ lông của chúng hoàn thiện, đồng thời hình thành thêm lớp mỡ cách nhiệt dưới da thì chúng mới có thể tồn tại độc lập. Theo Boersma, năm đó khí hậu thất thường đã khiến mùa sinh sản của cả bầy chim cánh cụt không thành công.

Thay đổi khí hậu dường như cũng là mấu chốt gây ra suy giảm số lượng của chim cánh cụt Galapagos. Do khí hậu và đại dương trở nên ấm hơn, hiện tượng El Niño, còn gọi là Dao động phương Nam (El Niño Southern Oscillation) ảnh hưởng đến mô hình thời tiết trên toàn thế giới dường như đang xảy ra với tần số cao hơn. Trong suốt khoảng thời gian đó, các dòng chảy đại dương mang những đàn cá nhỏ làm thức ăn cho chim cánh cụt bị đẩy ra xa các hòn đảo. Bầy chim thường xuyên bị đói hoặc quá yếu không thể sinh sản được.

Những vấn đề nêu trên làm nảy sinh câu hỏi liệu con người có gây khó khăn quá nhiều cho các loài sinh vật khác cùng tồn tại hay không. Chim cánh cụt cư trú ở Argentina, đảo Falklands và Châu Phi đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm dầu ngày một thêm trầm trọng từ các dàn khoan dầu trên biển hay thất thoát từ những con thuyền đi qua. Khả năng bị nhiễm độc dầu của chúng ngày một tăng bởi chúng phải đi xa hơn nhiều so với trước đây để tìm kiếm thức ăn cho mình.

“Khi nguồn cá mà con người chúng ta vẫn đánh bắt ngày càng trở nên khan hiếm, chúng ta cũng phải tìm kiếm đến tận cuối chuỗi thức ăn. Bây giờ chúng ta đang bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với những sinh vật bé nhỏ hơn mình để dành lấy nguồn thức ăn của chúng”.

Dân số thế giới ngày một tăng, càng có nhiều người cư trú tại các vùng ven biển thì tác động tiêu cực đối với môi trường sống trên bờ biển cũng như trong đại dương của rất nhiều loài cũng ngày một tăng lên. Theo Boersma, việc kiểm soát các tác động tiêu cực này là việc làm vô cùng khẩn thiết. Bà nói: “Tôi không cho rằng chúng ta còn thời gian để chờ đợi. Năm 1960, dân số thế giới là 3 tỉ người. Hiện nay đã là 6,7 tỉ. Cho đến năm 2025 dân số ước tính đạt 8 tỉ người. Chúng ta đã chờ đợi cả một quãng thời gian dài. Rõ ràng con người đã làm thay đổi diện mạo của Trái Đất, chúng ta cũng đã thay đổi diện mạo của cả đại dương nhưng lại không thể nhìn thấy điều đó. Chúng ta đã chần chừ quá lâu”.

Kênh Discovery và các kênh truyền hình thường xuyên phát những chương trình về thế giới tự nhiên, và những bầy chim cánh cụt cũng thường xuyên được nhắc đến. Nhưng chúng ta không muốn rằng mình chỉ có thể nhìn thấy chúng qua truyền hình. Chúng ta muốn chúng tồn tại trên thế giới”.

Nghiên cứu nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, các quỹ tài trợ và một số nhà bảo trợ.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video