Chống thiên thạch: Mỹ hay cả hành tinh cùng chi kinh phí?

NASA trình Quốc hội Mỹ xin thêm kinh phí để chống thiên thạch đụng Trái Đất. Đã xuất hiện ý kiến: Việc của cả hành tinh, sao chỉ có Mỹ phải chi tiền?

NASA đã trình Quốc hội Hoa Kỳ một báo cáo với các trọng tâm: Cần thêm ngân sách để cải thiện kỹ thuật; làm lệch hướng NEO bằng kích nổ hạt nhân từ xa là hữu hiệu nhất, và cần thiết phải có sự hợp tác của các chính phủ nước ngoài.

NASA: Cần có thêm kinh phí, nếu không phải lùi thời hạn khảo sát thiên thạch thêm 6 năm

Sau khi kết thúc Hội nghị bảo vệ hành tinh, NASA đã trình Quốc hội Hoa Kỳ một báo cáo mang tên “Khảo sát vật thể gần Trái Đất (Near Earth Objects-NEO) và phân tích khả năng làm chệch hướng NEO”.

Trong báo cáo này, NASA một lần nữa khẳng định rằng về mặt kỹ thuật, họ có khả năng theo dõi 90% trong tổng số 20.000 vật thể có khả năng đe dọa Trái Đất.

Tuy nhiên, sẽ không có đủ kinh phí để hoàn thành dự án khảo sát các NEO đe dọa đụng Trái Đất mà dự án đó, sẽ phải kết thúc vào năm 2020 – thời hạn mà Quốc hội Mỹ đã giao cho NASA theo một đạo luật được Tổng thống Bush ký ban hành vào ngày 30/12/2005.

NASA cho biết, với dự án Spaceguard Survey (Khảo sát bảo vệ không gian), họ đã phát hiện được khoảng 3/4 trong tổng số khoảng 1.000 vật thể có đường kính lớn hơn 1 km có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất.  Thế nhưng, đối với các vật thể nhỏ hơn và có thể đe dọa hành tinh thì NASA... đành chịu vì không đủ ngân sách để thực hiện.

Hiện nay, dự án trên được cấp kinh phí 4,1 triệu USD/năm cho đến năm 2012 và chỉ sử dụng những trạm quan sát từ mặt đất.

Theo ông Donald K. Yeomans, Giám đốc dự án Spaceguard Survey, riêng việc xây dựng, phóng đi và vận hành một trạm quan sát bằng tia hồng ngoại có quĩ đạo trên vũ trụ sẽ cần có 700 triệu USD.

Tuy nhiên, ông này cho rằng mục tiêu khảo sát 90% những vật thể nguy hiểm tiềm tàng vẫn có thể đạt được một cách ít tốn kém hơn bằng cách chỉ sử dụng những trạm quan sát trên mặt đất. Nếu chấp nhận phương án "tiết kiệm" này, Quốc hội Mỹ có thể phải dời thời hạn hoàn thành nhiệm vụ của NASA đến năm 2026 thay vì 2020.


Thiên thạch vẫn đang đe dọa đụng vào Trái Đất (Ảnh: VNN)

“Không lẽ chỉ có Mỹ chịu trách nhiệm…?”

Trước mắt, báo cáo của NASA đã bị chỉ trích bởi Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Hạ viện Mỹ, ông Bart Gordon.

Trong một tuyên bố, ông Gordon nói: "Chúng tôi vẫn đang xem xét báo cáo của NASA, nhưng rõ ràng là những giải pháp mà NASA đề xuất chưa phải là một kế hoạch đáng tin cậy để có thể đạt mục tiêu đã được định rõ trong Đạo luật Ủy quyền cho NASA năm 2005. Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này trong thời gian tới nhằm đạt được một giải pháp tích cực hơn”.

Trong khi đó, ông William Ailor, một quan chức của Aerospace Corporation và cũng là người chủ trì Hội nghị vừa qua, cho rằng vấn đề phát hiện những vật thể nguy hiểm có thể được giải quyết dễ dàng hơn nếu có nhiều nước cùng tham gia và cùng chia sẻ chi phí.

Ông William Ailor nêu câu hỏi: “Không lẽ chỉ có một nước, đó là Mỹ, phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ hành tinh này hay sao?” Ông William Ailor cũng tiết lộ, châu Âu đã vào cuộc.

Cơ quan Không gian châu Âu đang triển khai dự án mang tên Don Quijote để thử nghiệm những phương thức làm chệch hướng các tiểu hành tinh nguy hiểm.

Don Quijote là dự án của Ủy ban Không gian châu Âu nhằm mục đích làm chệch hướng những tiểu hành tinh nguy hiểm bằng những công nghệ tàu vũ trụ quy ước (thông thường).

Dự án này sử dụng 2 tàu vũ trụ. Một tàu có tên là Hidalgo, có nhiệm vụ va chạm vào một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 500 m với tốc độ 10km/giây. Trong khi tàu thứ hai là Sancho sẽ tiếp cận tiểu hành tinh ở một khoảng cách nhất định, ở một thời điểm trước khi Hidalgo va vào tiểu hành tinh, để xác định những thay đổi về quỹ đạo của vật thể này trước và sau sự va chạm đó.

Theo các nhà khoa học, dự án Don Quijote là một phương tiện để đánh giá mức độ nguy hiểm của NEO, từ đó giúp các chuyên gia đề ra những biện pháp cụ thể để làm chệch hướng những NEO có thể đe dọa Trái Đất trong tương lai.


Minh họa trường hợp Hidalgo va vào NEO trong khi Sancho quan
sát những thay đổi trước và sau sự va chạm. (Ảnh: VNN)

Quang Minh

Theo NASA, Washington Post, New York Times, VNN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video