Chuẩn bị chống thiên thạch va vào Trái Đất

Một thỏa ước hiện đang được khẩn trương soạn thảo để đệ trình Liên hiệp quốc vào năm 2009. Nội dung thỏa ước nhằm ràng buộc trách nhiệm của các nước trong trường hợp thiên thạch va vào Trái Đất.

Năm 2036, vào ngày 13/4, một tiểu hành tinh va vào Trái Đất và gây nên một vụ nổ lớn, gấp 80.000 lần so với quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima trong Thế chiến 2.

Không phải chuyện viển tưởng… NASA dự báo, xác suất của vụ va chạm này là 1/45.000. Điều đó có nghĩa là, loài người còn có 30 năm nữa để chuẩn bị ứng phó với sự cố này. 

Giới chuyên môn Âu Mỹ đang khẩn trương soạn thảo một thỏa ước để đệ trình Liên hiệp quốc vào năm 2009. Thỏa ước này nhằm ràng buộc trách nhiệm của các nước để ứng phó với sự cố hoàn toàn thể xảy ra này cho Trái Đất, ngôi nhà chung của loài người.

127 vật thể đang lao vào Trái Đất

Một vụ nổ lớn sẽ xảy ra trên Trái Đất trong trường hợp có một vật thể như thiên thạch, tiểu hành tinh va vào Trái Đất. Dự báo, ngày 13/4/2036, nghĩa là còn 30 năm nữa, loài người sẽ đứng trước nguy cơ này. NASA dự báo, xác suất của vụ va chạm là 1/45.000. (Ảnh: softpedia)

Hiệp hội Các nhà thám hiểm không gian đề nghị cần có một thỏa ước quốc tế để bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ va chạm với các vật thể vũ trụ.

Đó có thể là một thiên thạch, một tiểu hành tinh hay một vật thể lạ nào đó có khả năng lao vào Trái Đất trên quỹ đạo đường đi của nó. Vật thể mà theo dự báo sẽ va vào Trái Đất vào năm 2036 là một tiểu hành tinh được đặt tên là Apophis, có đường kính 140 mét, được NASA phát hiện vào tháng 6/2004.

Theo ước tính của các chuyên gia, nếu chạm vào Trái đất với tốc độ di chuyển là 28 km/giờ, Apophis sẽ phóng thích một năng lượng lớn gấp 80.000 lần so với quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến 2.

Theo Cục Quản trị Hàng không và Không gian quốc gia Hoa Kỳ (NASA), hiện có khoảng 20.000 tiểu hành tinh đang là mối đe dọa tiềm tàng đối với Trái Đất. Tiến sĩ Russell Schweickart, phi hành gia Appolo 9 và là người sáng lập Hiệp hội các nhà thám hiểm không gian, cho rằng “trong số đó, rõ ràng là có không ít tiểu hành tinh có khả năng va chạm vào Trái Đất với một xác suất đủ lớn để bất cứ ai cũng phải lo lắng”.

Hiện nay, NASA đang theo dõi tất cả những vật thể gần Trái đất (Near Earth Objects-NEO) có đường kính lớn hơn 700 mét và đã xác định được 127 NEO có khả năng va chạm vào hành tinh của chúng ta.

Quốc hội Hoa Kỳ đã giao trách nhiệm cho NASA phải thực hiện các cuộc nghiên cứu và khảo sát chi tiết hơn về những tiểu hành tinh đang đe dọa Trái đất trong tương lai gần.

Tiến sĩ Steven Chesley, một nhà khoa học của NASA, nói: “Quốc hội cho rằng những nỗ lực của NASA đến nay là chưa đầy đủ và đã điều chỉnh những mục tiêu của NASA để việc xếp loại và theo dõi các tiểu hành tinh trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức này”.

Mục tiêu mới của NASA là phát hiện tất cả những vật thể có đường kính lớn hơn 70 mét, và công việc này đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống viễn vọng kính mới. Tuy nhiên, tổ chức này cũng có thể sử dụng những viễn vọng kính khác được đề nghị, như Large Synoptic Survey Telescope (LSST) hoặc Panoramic Survey Telescope & Rapid Response System (Pan-Starrs).

NASA cho rằng ảnh hưởng cụ thể của sự va chạm giữa Trái Đất và một tiểu hành tinh như Apophis sẽ tùy thuộc vào thành phần cấu tạo của tiểu hành tinh đó và góc độ va chạm.

Ông Paul Slovic, chủ tịch tổ chức Decision Research có trụ sở ở Oregon –chuyên nghiên cứu, đánh giá các quyết định và phân tích rủi ro – cảnh báo rằng nếu chạm vào Trái đất, Apophis có thể xóa sổ toàn bộ một thành phố hay một khu vực rộng lớn.

Để làm chệch hướng các tiểu hành tinh, các chuyên gia có thể phóng một tàu vũ trụ hoặc tên lửa vào tiểu hành tinh đó, hoặc dùng một biện pháp nhẹ nhàng hơn, đó là sử dụng lực hút từ tàu vũ trụ để kéo tiểu hành tinh đó chệch ra khỏi quĩ đạo của nó.

Khẩn trương soạn thảo thỏa ước để cứu Trái Đất

Để đối phó với sự đe dọa từ các vật thể vũ trụ đối với Trái Đất, Hiệp hội các nhà thám hiểm vũ trụ đã đề xuất việc lập ra một dự thảo thỏa ước Liên hiệp quốc về lĩnh vực này.  Thỏa ước đó sẽ qui định cụ thể về trách nhiệm, chi phí và giải pháp làm chệch hướng các vật thể vũ trụ.

Những vấn đề liên quan đến thỏa ước này đã đưa nêu ra tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tiến bộ khoa học Hoa Kỳ, được tổ chức gần đây tại San Francisco.

Tại hội nghị này, tiến sĩ Russell Schweickart phát biểu: “Chúng tôi không chỉ đang xem xét trường hợp Apophis. Nguy cơ va chạm giữa Trái đất và vật thể vũ trụ đang đe dọa tất cả các nước. Chúng ta cần xây dựng những nguyên tắc chung để đối phó với vấn đề này”.

Tiến sĩ Schweickart cho rằng “cần phải có một cơ chế quyết định và hành động được Liên hiệp quốc xem xét và thông qua”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay từ khi có dấu hiệu cho thấy nguy cơ đó có thể xảy ra, chứ nếu chúng ta đợi cho đến khi biết chắc chắn về nguy cơ đó thì e là đã quá trễ”.

Theo ông, việc khởi động sớm một kế hoạch làm chệch hướng một tiểu hành tinh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng cần sử dụng và sẽ mang lại cơ hội thành công lớn hơn.

Trong số các chuyên gia được mời tham gia soạn thảo thỏa ước, có các ông Lord Rees, thuộc Hội Thiên văn Hoàng gia Anh; Roger Bonnet, cựu giám đốc Cơ quan vũ trụ châu Âu và Crispin Tickell, cựu cố vấn chính phủ Anh.

Trong năm nay, Hiệp hội của tiến sĩ Schweickart sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học, pháp luật, chính trị và bảo hiểm về thỏa ước này. Theo kế hoạch, sau khi được bổ sung và hoàn thiện bản dự thảo thỏa ước sẽ được đệ trình lên Liên hiệp quốc vào năm 2009.

Quang Thịnh

Theo Softpedia, BBC, CBC, CNN, News Scotsman, VNN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video